
Bến Tre đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc
Thực trạng và sự cần thiết
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 2.061/2.392 công chức có trình độ tin học, đạt 86,2%, có chứng chỉ công nghệ thông tin (CNTT) từ trung cấp trở lên. Tổng số cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT 46 người. Riêng huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và Chợ Lách chưa bố trí cán bộ chuyên trách về CNTT. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về CNTT từ trung cấp đến thạc sĩ.
Số lượng doanh nghiệp (DN) đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực CNTT 95 DN. Tổng số lao động CNTT trong các DN CNTT 587 người.
Năm học 2019-2020, toàn ngành giáo dục có 100% đơn vị thực hiện ứng dụng CNTT phục vụ công việc. Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên biết sử dụng máy tính. Các đơn vị đều có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách CNTT, chưa có cán bộ chuyên trách. Các cấp học có 542 giáo viên dạy môn Tin học. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT đạt khoảng 70%.
Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, đa phần các cán bộ CNTT của các cơ quan, tổ chức và DN chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ số (CNS), chưa có các chứng chỉ của các tổ chức có uy tín trong nước, quốc tế. Công cuộc CĐS mang tính tổng thể và toàn diện. Do đó, đòi hỏi từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước cho đến người lao động trong các tổ chức, DN và người dân đều phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng số, hình thành các nhà quản lý số, công nhân số và công dân số.
Từ thực tế đó cho thấy, để công cuộc CĐS của tỉnh đề ra có thể đạt hiệu quả, nhu cầu nguồn nhân lực am hiểu và có kỹ năng sâu về CĐS, CNS, kinh tế số, xã hội số trong các cơ quan, tổ chức, DN ngày càng trở nên cấp thiết. Đào tạo, phát triển nhân lực CĐS là việc cấp bách, là nền tảng quan trọng để đảm bảo thành công cho các chương trình mục tiêu về CĐS với 3 trụ cột chính là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Việc đào tạo nguồn nhân lực CĐS trên địa bàn tỉnh cần đảm bảo các yêu cầu chung. Đó là đào tạo kỹ năng CĐS, CNS, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình CĐS là yếu tố then chốt, góp phần đảm bảo công cuộc CĐS thành công. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về CĐS được xác định là điều kiện tiên quyết, góp phần quan trọng để thúc đẩy tiến trình CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo kịp thời đại.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS cần xác định rõ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng về CĐS với nội dung cụ thể, phù hợp với từng đối tượng nhà quản lý, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
Mục tiêu và giải pháp thực hiện
Các cơ quan, tổ chức, DN cần đẩy nhanh quá trình CĐS thông qua hoạt động đào tạo, trang bị kiến thức CĐS, kỹ năng số và CNS cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức. Nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên gia CĐS đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, DN về CĐS trong các ngành, lĩnh vực. Xây dựng được mạng lưới CĐS từ tỉnh đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CĐS để trực tiếp triển khai công tác CĐS đến từng cơ quan, tổ chức, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội trực tuyến tới từng người dân trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng CĐS, kinh tế số, xã hội số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Mỗi năm tổ chức được 1 chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS và kỹ năng số quy mô toàn quốc, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, DN. Đào tạo chuyên gia CĐS thuộc các ngành, lĩnh vực và địa phương để làm lực lượng nòng cốt CĐS trên địa bàn tỉnh. Tại các cơ quan nhà nước, có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo ngắn hạn về CĐS, kỹ năng số, trong đó đào tạo ngắn hạn cho cán bộ lãnh đạo, cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ và cho các công chức, viên chức và người lao động.
Ngành giáo dục, có 100% giáo viên ứng dụng tốt CNTT, nâng cao chất lượng dạy học và cung cấp bài giảng , tài liệu dạy học trực tuyến cho học sinh, trong đó có 70% giáo viên xây dựng được bài dạy E-Learning nâng cao; 70% trường học có kho học liệu số (thư viện số, giáo trình, bài giảng, học liệu…), đóng góp vào kho học liệu số chung của tỉnh. 100% học sinh các trường được tiếp cận Internet và kho học liệu số. 100% các trường học có triển khai công tác dạy học, kiểm tra, thi trực tuyến cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 100% trường phổ thông triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, DN (giáo dục STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng CNTT, bảo đảm an toàn thông tin. 100% trường THCS, THPT thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên gia CĐS cao cấp đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc, trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình CĐS. Hàng năm, lựa chọn cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị (chuyên gia CĐS) để đào tạo ngắn hạn nâng cao, cập nhật công nghệ, kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước nâng cao kiến thức, kỹ năng, cập nhật kiến thức, công nghệ mới về CNS.
Tỉnh có kế hoạch đào tạo ngắn hạn về kỹ năng CĐS, kỹ năng số trong các tổ chức, DN cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và người lao động.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Trong tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức CĐS cần thực hiện tổng hợp các biện pháp để tuyên truyền đạt hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về CĐS qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về CĐS qua các hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về CĐS tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về dịch vụ công cho nhân dân và các phương thức khác.

Hội thi sáng tạo tên lửa nước và robocon, góp phần hỗ trợ phát triển hình thức giáo dục tích hợp STEAM cho học sinh. (Ảnh trước khi có dịch Covid-19). Ảnh: CTV
Có thể thiết lập và phát triển các trang (tài khoản, kênh) trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng CĐS. Đồng thời, sản xuất các nội dung tin bài, ảnh, video, clip tạo xu thế… để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng; xây dựng, thiết lập và duy trì thường xuyên các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuyên truyền theo từng điểm cung cấp dịch vụ CNTT, dịch vụ mạng hoặc các thiết bị CNTT. Tuyên truyền trên cơ sở truyền thanh cấp huyện và hệ thống đài truyền thanh cấp xã. Tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, mạng nội bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Các cơ sở cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến hướng đến đông đảo nhân dân. Nội dung tuyên truyền cần thực hiện đồng bộ với hệ thống tuyên truyền chung trên địa bàn tỉnh, tận dụng truyền thông xã hội để tiếp cận đông đảo người dân.
Một hình thức tuyên truyền hiệu quả là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về CĐS, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, CNS, kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh số cho các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên; thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cơ hội việc làm, tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực CĐS, kinh tế số, xã hội số tại các cơ sở giáo dục.
Các hoạt động tuyên truyền khác có thể thực hiện như: xây dựng các chiến dịch tuyên truyền về CĐS quy mô lớn, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, kết hợp sử dụng công nghệ AI, Chatbot… Định kỳ tổ chức các đợt sự kiện tháng CĐS, ngày CĐS, kết hợp với tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường hiểu biết về CĐS và 3 trụ cột…
Trong phát triển nguồn nhân lực CĐS đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền số thì chú trọng các yêu cầu: đào tạo kỹ năng CĐS, kỹ năng số cho cán bộ lãnh đạo; đội ngũ cán bộ chuyên trách; công chức, viên chức, người lao động; đào tạo chuyên gia về CĐS cho ngành, lĩnh vực, địa phương. |
Thanh Đồng (tổng hợp)