Nhận thức được tính tiêu cực của tình hình học sinh vi phạm pháp luật đối với sự phát triển của xã hội, từ nhiều năm nay, Bến Tre luôn chú trọng triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để nâng cao trình độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong lứa tuổi học sinh phổ thông, góp phần duy trì và ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Vũ Liêm - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), học sinh trung học là đối tượng chính yếu của công tác PBGDPL trong nhà trường. Vì giai đoạn này, nhân cách, tâm sinh lý chưa ổn định, các em dễ bị tác động, lôi kéo bởi những hành vi xấu. Đây lại là lứa tuổi bắt đầu được pháp luật công nhận có năng lực hành vi trong khi tham gia vào một số quan hệ xã hội nhất định. Đồng nghĩa với việc các em phải chịu sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của bản thân. Do đó, nhà trường cần phải giáo dục ý thức pháp luật cho các em nhằm định hướng, điều chỉnh hành vi và nâng cao nhận thức, thói quen tự nguyện, tự giác chấp hành pháp luật ở lứa tuổi học sinh. Có làm được điều này thì mới đảm bảo vững chắc việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó “mọi người sống và làm việc theo pháp luật”. Ông Cao Minh Sơn - Trưởng phòng Trung học phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay, hoạt động PBGDPL trong nhà trường nói chung và với các trường THCS, THPT nói riêng được thực hiện ở hai nội dung là GDPL và PBPL. Môn Giáo dục công dân được chọn là môn học chính để truyền tải nội dung GDPL trong chương trình chính khóa của học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Ngoài ra, còn được lồng ghép tích hợp vào các môn khối xã hội: Ngữ văn, Sử, Địa. Ở bậc THCS, kiến thức pháp luật được chia thành từng chủ đề, sắp xếp theo nguyên tắc phát triển từ thấp đến cao, phù hợp với sự phát triển về nhận thức cũng như yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện của học sinh trong từng giai đoạn (bậc THPT, kiến thức pháp luật chỉ tập trung ở lớp 12).
Song song với việc đưa nội dung pháp luật vào chương trình giáo dục chính khóa, PBPL còn được thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp của các trường. Vào trung tuần tháng 11, chúng tôi có dịp được tham dự buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Thị trấn Giồng Trôm (Giồng Trôm). Hàng trăm học sinh cùng chăm chú theo dõi vở kịch “Chuyện một gia đình” do chính các em học sinh của trường sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Thông điệp của vở kịch mà các em muốn gửi đến mọi người là cha mẹ phải là tấm gương tốt trong việc chấp hành Luật Giao thông cho các con của mình. Được biết, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa kết hợp lồng ghép nội dung GDPL bằng hình thức thi diễn tiểu phẩm. Đây được xem là một trong những cách làm hiệu quả nhất để đưa kiến thức pháp luật vào nhà trường. Theo thầy Trương Văn Giúp - Hiệu trưởng nhà trường, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động ngoại khóa, học sinh tiếp thu kiến thức pháp luật một cách “dễ nhớ, khó quên” hơn, tạo nên sân chơi lành mạnh thỏa mãn nhu cầu “vừa học vừa chơi” của lứa tuổi học sinh. Có thể nói, các trường trong tỉnh thường xuyên phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an, Trung tâm Y tế địa phương tổ chức những buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề pháp luật, nhất là về giao thông, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, giáo dục giới tính… cho học sinh thông qua nhiều hình thức cả trong chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa.
Theo nhận định của Hội đồng Phối hợp liên ngành về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, việc PBGDPL cho học sinh đã đạt được kết quả khả quan: nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu “quản lý nhà nước bằng pháp luật”, công tác PBGDPL trong nhà trường vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chung. Cụ thể là tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh trung học chưa được kéo giảm, cá biệt có trường hợp trở thành tội phạm. Đau lòng hơn là nhiều em vẫn chưa nhận thức được những việc làm của mình là hành vi vi phạm pháp luật. Đó chính là thách thức lớn, làm trăn trở xã hội. Sách giáo khoa môn Giáo dục công dân vẫn còn nhiều nội dung mang nặng tính lý thuyết, bài học khô cứng, không sinh động, chưa lôi cuốn, hấp dẫn để học sinh hứng thú học tập. Trong khi đây lại là môn học mang “hơi thở” pháp luật đến với nhà trường. Kết quả một cuộc khảo sát ý kiến học sinh ở một số trường trong tỉnh, cho thấy các hoạt động giáo dục trong nhà trường thu hút học sinh tham gia: tổ chức thi văn nghệ, làm báo, thể thao… Nhưng hình thức này cũng đã gặp phải những bất cập, chậm được khắc phục như, cách thức tổ chức còn đơn điệu, chưa thường xuyên, không phát huy hết chất lượng, hiệu quả vốn có…
Thiết nghĩ, GDPL ở các trường phổ thông không phải chỉ trang bị kiến thức mà chủ yếu là phải giáo dục thái độ và hành vi tự giác thực hiện pháp luật cho học sinh. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng từ nhà trường đến gia đình và xã hội.