Phòng, chống tham nhũng đòi hỏi mỗi công dân tích cực tham gia

09/08/2011 - 17:37

Điều 88 Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) xác định: Công dân tự mình, thông qua Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND) hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia PCTN. Ban TTND tại xã, phường, thị trấn, trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Trách nhiệm của công dân trong PCTN cũng được quy định tại chương VI Nghị định 47/2007/NĐ-CP ngày 27-3-2007 của Chính phủ, gồm 3 Điều luật cụ thể.

Điều 24 Nghị định 47 quy định: Công dân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về PCTN; đồng thời phải lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng; phản ánh với Ban TTND, tổ chức mà mình là thành viên về hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng để Ban TTND, tổ chức đó kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; công dân có trách nhiệm cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh vụ việc tham nhũng khi có yêu cầu. Ngoài ra, công dân cũng có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về PCTN; góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng các văn bản pháp luật về PCTN.

Về trách nhiệm tố cáo hành vi tham nhũng, Điều 25 Luật PCTN quy định, khi tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, công dân phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Luật cũng quy định, người tố cáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập do việc tố cáo hành vi tham nhũng. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng được bảo vệ bí mật, an toàn và thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 26 Luật PCTN quy định về trách nhiệm của công dân tham gia PCTN thông qua Ban TTND hoặc tổ chức mà mình là thành viên: Nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình làm việc thì có quyền phản ánh với Ban TTND ở xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú hoặc ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước nơi mình công tác; phản ánh với tổ chức mà mình là thành viên. Luật quy định, việc phản ánh này phải đảm bảo tính khách quan, trung thực.

Ban TTND có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, xem xét và kiến nghị Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hay người đứng đầu cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và giám sát việc giải quyết đó. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản ánh của công dân về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng xem xét và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được thông báo kết quả giải quyết vụ việc tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì Ban TTND, tổ chức mà công dân là thành viên có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho công dân đã có ý kiến phản ánh biết.

H.Đ (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN