Phong Nẫm xây dựng mã số vùng trồng gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo
25/09/2023 - 06:35
BDK - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm Phan Thành Hải cho biết, công tác giảm nghèo với việc tạo sinh kế thoát nghèo bền vững luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, địa phương đã xây dựng đạt hiệu quả cao nhiều mô hình sinh kế, có nhiều tấm gương thoát nghèo tiêu biểu và bền vững.
Khảo sát mã số vùng trồng dừa xiêm xanh tại xã Phong Nẫm.
Xã Phong Nẫm đã và đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) cho cây dừa xiêm xanh của địa phương với diện tích 96ha, có 106 hộ tham gia. Với việc xây dựng thành công MSVT cho cây dừa xiêm xanh sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con trồng dừa, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, nhất là đối với người nghèo.
Theo Chủ tịch HND xã Phong Nẫm Phan Thành Hải, MSVT cho cây dừa xiêm xanh của xã do Cục Trồng trọt chọn và Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) trực tiếp quản lý và thu mua toàn bộ sản phẩm dừa xiêm xanh của bà con nông dân để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Diện tích được lựa chọn xây dựng 96ha với 2 mã: mã số 04 có 49,68ha của 58 hộ thuộc các ấp Kinh Cũ, Giồng Sậy và Cầu Hòa; mã số 05 có 46,32ha của 48 hộ thuộc các ấp Phong Phú, Phong Quới và Phong Thuận. Hiện nay, địa phương và doanh nghiệp đã phối hợp tiến hành các thủ tục theo yêu cầu của đối tác Trung Quốc.
Ngoài 2 MSVT này, địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành xây dựng MSVT cho diện tích dừa xiêm xanh còn lại của bà con (toàn xã có hơn 500ha dừa xiêm xanh) và xây dựng MSVT cho bưởi da xanh (toàn xã có hơn 120ha bưởi da xanh, trong đó diện tích thí điểm là 10ha). Về việc thành lập các tổ, đội thu gom dừa, địa phương sẽ ưu tiên và lựa chọn nhằm tạo việc làm ổn định cho người nghèo của địa phương. Trong quá trình khảo sát và xây dựng diện tích dừa xiêm xanh, xã cũng ưu tiên chọn diện tích dừa của bà con hộ nghèo để đưa vào MSVT nhằm nâng cao thu nhập ổn định cho người nghèo.
Xã Phong Nẫm có 7 ấp, 3.207 hộ dân với 10.126 nhân khẩu. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, đầu năm 2023, toàn xã có 170 hộ nghèo với 439 nhân khẩu, chiếm 5,3%; hộ cận nghèo 106 hộ với 325 nhân khẩu, chiếm 3,3%. Qua khảo sát, đánh giá, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, việc làm không ổn định và gia đình đông con. Từ thực trạng trên, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xã đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023 với sự phân công các hội, đoàn thể phụ trách từng đối tượng. Cụ thể, hộ nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm được chọn là 24 hộ với 88 nhân khẩu; trong đó, HND xã phụ trách 4 hộ; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã 12 hộ; Hội Cựu chiến binh xã 2 hộ; Đoàn thanh niên xã 6 hộ. Hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo 69 hộ với 219 nhân khẩu; trong đó, HND xã phụ trách 17 hộ; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã 25 hộ; Hội Cựu chiến binh xã 12 hộ; Đoàn thanh niên xã 15 hộ.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Dương Trường Sơn, thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo bền vững, đến nay, xã đã xây dựng và thực hiện 7 mô hình sinh kế hiệu quả với tổng kinh phí 712 triệu đồng để hỗ trợ cho 48 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Cuối năm 2022, có 19 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững với mô hình nuôi bò và dê sinh sản. Hiện nay, xã tiếp tục đăng ký và thực hiện 5 mô hình giảm nghèo. Cụ thể, Hội Nông dân xã đăng ký 2 mô hình nuôi dê sinh sản gồm 20 hộ nghèo và hộ cận nghèo, tổng kinh phí 500 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đăng ký 1 mô hình nuôi bò sinh sản gồm 10 hộ nghèo và hộ cận nghèo, tổng kinh phí 375 triệu đồng. Đoàn thanh niên đăng ký 1 mô hình nuôi dê sinh sản gồm 10 hộ nghèo và hộ cận nghèo, tổng kinh phí 250 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh xã đăng ký 1 mô hình nuôi dê sinh sản gồm 10 hộ nghèo và hộ cận nghèo, tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Những tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia xã Phong Nẫm đã vận động xây dựng 2 căn nhà tình thương. Các hội, đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 934 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng số tiền 20 tỷ đồng để xây dựng các mô hình sinh kế. Mở 3 lớp học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm cho 37 hộ nghèo, hộ cận nghèo; có 5 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng.