Phòng tránh các bệnh thường gặp mùa mưa

09/06/2024 - 20:15

BDK - Theo các bác sĩ chuyên khoa, những cơn mưa kéo dài cùng độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh phát triển và lây lan. Một số bệnh thường gặp trong mùa mưa như cảm lạnh, cúm, sốt rét, thương hàn… có thể gây khó chịu cho cơ thể.

Cảm lạnh và cúm là một trong những bệnh phổ biến nhất. Bệnh có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày nhưng cũng không thể chủ quan vì trong một vài trường hợp, bệnh có thể chuyển biến nặng sang viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai... Bệnh này do những loại vi-rút khác nhau gây ra nhưng các triệu chứng khá giống nhau, gồm: chảy nước mũi và nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho khan, mệt mỏi, chảy nước mắt. Người bị cúm có thể có thêm các triệu chứng: đau nhức cơ thể, nhức đầu, nhức hốc mắt, nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em), có thể sốt.

Để phòng tránh cảm lạnh và cúm cần tiêm vắc-xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và người lớn trên 65 tuổi, người bị bệnh đường hô hấp hoặc suy giảm miễn dịch. Uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ vi-ta-min và khoáng chất để tăng cường sức khỏe, giữ ấm cơ thể. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, sau khi ra ngoài về, tránh đưa tay lên mắt mũi miệng. Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia. Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh và cúm. Trong trường hợp bệnh kéo dài không khỏi hoặc có dấu hiệu nặng hơn thì người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay.

Sốt rét là bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium và có thể lây truyền qua vật trung gian là muỗi Anophen. Mùa mưa kéo dài là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển. Muỗi Anophen khi đốt người khỏe mạnh có thể truyền Plasmodium ký sinh trong chính nó hoặc từ người đang bị bệnh sốt rét sang. Những ký sinh trùng này sẽ di chuyển vào máu rồi phát triển ở tế bào gan và hồng cầu gây nên sốt rét. Người bị sốt rét biểu hiện bằng các cơn rét run toàn thân, sốt cao liên tục hoặc theo chu kỳ 1 - 3 ngày/lần, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn, vã mồ hôi, mệt mỏi.

Phòng tránh bệnh sốt rét bằng cách ngăn ngừa muỗi như: phun thuốc diệt muỗi. Đậy kín dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào các bể chứa nước. Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, thay nước thường xuyên trong các thau chậu, bình cắm hoa, tránh để nước tù đọng. Dọn dẹp, phát quang cây cỏ xung quanh nhà để tránh muỗi trú ngụ. Mặc quần áo dài tay và giăng mùng khi ngủ kể cả ban ngày. Bôi thuốc phòng muỗi hoặc sử dụng dụng cụ đuổi muỗi. Phối hợp với chính quyền hoặc cơ sở y tế trong các đợt phun thuốc phòng muỗi. Khi có biểu hiện của bệnh sốt rét, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị.

Sốt xuất huyết cũng là bệnh lây truyền qua muỗi do vi-rút Dengue gây ra. Muỗi lây truyền bệnh SXH là muỗi vằn, chủ yếu là hai loại Aedes aegypti và Aedes albopictus. Người bị SXH sẽ có các triệu chứng sốt cao 39 - 40 độ C, sốt một cách đột ngột kéo dài 2 - 7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau khớp và cơ, có thể phát ban. Khi bệnh trở nặng có biểu hiện xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, buồn nôn và nôn ói, đau bụng và tiêu chảy, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng…

Bệnh có thể trở nặng gây xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não và tử vong. Vì vậy, khi bị sốt cao đột ngột người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà. Các biện pháp để phòng tránh sốt xuất huyết cũng giống như bệnh sốt rét, quan trọng là cần diệt muỗi và loại bỏ các yếu tố môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.

Ngoài những bệnh trên, mùa mưa kết hợp với gió lạnh có thể làm các bệnh mạn tính như hen suyễn, đau cơ xương khớp… trở nặng. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là bạn luôn đem theo áo mưa khi đi ra ngoài, mặc áo dày, lau khô người và sử dụng đồ uống nóng để giữ ấm cơ thể. Thường xuyên rửa tay, giữ vệ sinh cơ thể, nhà cửa và khu vực làm việc. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vi-ta-min và khoáng chất, tránh thực phẩm có tính hàn, uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thể chất mỗi ngày sẽ giúp tăng sức đề kháng trước tác nhân gây bệnh. Tăng cường rau xanh, vi-ta-min và khoáng chất cho bữa ăn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tăng đề kháng của cơ thể.

Phan Hân (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN