Sơ đồ: Các năng lực cốt lõi cần phát triển cho học sinh
Quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông là một cách tiếp cận trong quản lý dạy học, trong đó chủ thể quản lý lấy các năng lực chung và năng lực đặc thù cần hình thành cho học sinh làm chuẩn đầu ra để lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra/đánh giá quá trình dạy học của người dạy và người học, nhằm thực hiện mục tiêu dạy học theo phát triển năng lực học sinh. Nội dung quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông thể hiện ở các khía cạnh: (1) Lập kế hoạch dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; (2) Tổ chức bộ máy quản lý giáo dục và tổ chức hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông. Nội dung này gồm: Tổ chức bộ máy quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; Tổ chức hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; (3) Chỉ đạo thực hiện hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông. Nội dung này gồm: Chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nguyên tắc hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; Chỉ đạo thực hiện nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; Chỉ đạo thực hiện các điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông; (4) Kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông.
Qua kiểm tra thực tế quản lý chuyên môn, thực trạng quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện nay, trong quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhìn tổng thể, quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở trường phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu hoạt động dạy học hiện nay song vẫn còn những hạn chế nhất định từ việc lập kế hoạch, đến tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá hoạt động này. Trong 4 nội dung quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở trường phổ thông được nghiên cứu và thực tiễn quản lý thì nội dung được đánh giá cao nhất đó là “kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh” và “Chỉ đạo hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh. Nội dung “Lập kế hoạch hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh” được đánh giá có mức độ thực hiện thấp nhất.
Từ thực tiễn quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh ở các trường phổ thông Bến Tre, chúng tôi có các đề xuất sau:
1. Đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện/thành phố
Phòng GD&ĐT của các các huyện/thành phố cần chỉ đạo cho các trường phổ thông quán triệt về các năng lực cốt lõi cần phát triển cho học sinh ở các trường phổ thông để lãnh đạo các trường, giáo viên của các trường nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của các tiêu chí này trong hoạt động dạy học tại nhà trường, hướng tới phát triển năng lực chung và năng lực chuyên môn cho học sinh phổ thông.
Chỉ đạo các tổ chuyên môn đổi mới tổ chức sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học để phát triển năng lực giảng dạy cho giáo viên; tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hướng dẫn các mô hình trường học gắn với thực tiễn giảng dạy nhằm phát huy năng lực học sinh; cần hướng dẫn để tổ chức các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao năng lực quản lý hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông.
Chỉ đạo các trường tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; Phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Chỉ đạo các trường thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Hướng dẫn để các trường phổ thông tổ chức dạy học gắn nội dung chương trình sách giáo khoa mới, dạy học gắn với thực tiễn sinh động tại địa phương vùng Tây Nam Bộ; văn hóa, lịch sử, địa lý của Bến Tre và cuộc sống hằng ngày của học sinh.
2. Đối với các trường phổ thông.
Các trường phổ thông là chủ thể trực tiếp quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh do vậy, các trường cần chú ý một số vấn đề sau:
Hiệu trưởng các trường phổ thông trực tiếp triển khai các tiêu chí quản lý hoạt động dạy học theo tiếp cận năng lực học sinh đến các tổ chuyên môn và các giáo viên của nhà trường để hiện thực hóa các tiêu chí này trong hoạt động dạy học của nhà trường.
Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với mô hình trường học gắn với thực tiễn theo phát triển năng lực học sinh như: Biên soạn tài liệu, bộ tiêu chí, kế hoạch dạy học trải nghiệm, tổ chức giờ học thực hành các môn Công nghệ; Khoa học tự nhiên; Lịch sử; Địa lý; Giáo dục công dân; Hoạt động trải nghiệm; Âm nhạc; Mỹ thuật,…
Chỉ đạo cho các giáo viên gắn nội dung chương trình giáo dục phổ thông của từng môn học và dạy học gắn với thực tiễn sinh động của vùng Tây Nam Bộ và cuộc sống hằng ngày của học sinh qua đó gắn hoạt động dạy và hoạt động học với cuộc sống, hình thành nhận thức, thái độ và kỹ năng sống cần thiết của học sinh; định hướng nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học kỹ thuật; tăng khả năng thích ứng với cuộc sống của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhà trường.
Chỉ đạo cho các giáo viên có thái độ và hành vi tích cực trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao năng lực quản lý hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông.
Đối với giáo viên giảng dạy cần vận dụng những phương pháp và hình thức dạy học tích cực, nhằm khơi dậy tính năng động, sáng tạo của học sinh, dẫn dắt các em tự chiếm lĩnh kiến thức. Từ đó, giúp học sinh tự khám phá, thực hành và vận dụng được kiến thức thông qua các hoạt động trên lớp và ngoài nhà trường trong quá trình dạy học.
Giáo viên cần chủ động bồi dưỡng, nghiên cứu các văn bản, tài liệu, tư liệu chuyên môn đáp ứng phương pháp đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá mới; tìm hiểu ý nghĩa cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, giáo dục phát triển bền vững, giáo dục sử dụng năng lượng, giáo dục khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM, dạy học gắn với thực tiễn, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học lồng ghép các môn học, định hướng phân luồng và hướng nghiệp nghề cho học sinh,…nhằm thực hiện hiệu quả trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường sử dụng phương pháp dạy học nêu các tình huống có vấn đề để cho học sinh giải quyết nhằm hình thành năng lực chung và năng lực chuyên môn cho học sinh phổ thông; tăng cường phối hợp gia đình, thông báo với gia đình những mặt mạnh, những mặt hạn chế về năng lực học sinh phổ thông.
3. Đối với các gia đình học sinh.
Các gia đình học sinh tăng cường phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục và kiểm soát học sinh. Gia đình thông báo kịp thời cho nhà trường, trước hết là giáo viên chủ nhiệm lớp về những mặt mạnh, những mặt hạn chế về năng lực học sinh phổ thông.
Gia đình cùng với nhà trường tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, nhằm nâng cao nhận thức, thái độ học tập đúng đắn cho học sinh, qua đó nâng cao năng lực học tập cho học sinh, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Võ Văn Luyến