
Dán tem nhãn hiệu chứng nhận xoài tứ quý Thạnh Phú.
Với hơn 700 hộ dân tham gia trồng, tổng diện tích trên 400ha; trong đó, diện tích cho trái khoảng 300ha, năng suất trung bình 30 - 40 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Đây được xem là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nông dân trên địa bàn.
Trong năm 2020, UBND huyện Thạnh Phú đã thực hiện đề tài: “Quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm xoài tứ quý Thạnh Phú” để hỗ trợ cho sản phẩm xoài tứ quý huyện Thạnh Phú có danh tiếng trên thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng xoài.
Mục tiêu của đề tài nhằm công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chuỗi giá trị xoài. Xây dựng mô hình sản xuất xoài tứ quý định hướng theo tiêu chuẩn hữu cơ - PGS với diện tích 1ha. UBND huyện Thạnh Phú là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài. Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tân làm chủ nhiệm đề tài. Thời gian thực hiện là 12 tháng, kinh phí đề tài trích từ ngân sách sự nghiệp khoa học 148,3 triệu đồng. Sau một năm thực hiện đề tài đã đạt chỉ tiêu đề ra.

Trao nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”.
UBND huyện Thạnh Phú đã tổ chức thành công lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú” (Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào ngày 12-3-2019). Chủ sở hữu nhãn hiệu “Xoài tứ quý Thạnh Phú” là UBND huyện Thạnh Phú và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Xoài tứ quý được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tạo cơ hội để hộ nông dân trồng xoài trên địa bàn huyện cùng với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục phát huy danh tiếng của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương; phát huy giá trị sản phẩm một cách hiệu quả thông qua việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ huyện Thạnh Phú.
Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất xoài tứ quý theo tiêu chuẩn hữu cơ - PGS. 3 hộ dân trồng xoài tại xã Thạnh Phong tham gia mô hình với tổng diện tích 2,1ha. Các hộ dân đều được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng; được hỗ trợ dụng cụ bao trái, phân bón theo tiêu chuẩn hữu cơ; được lấy mẫu đất và nước ngầm để kiểm tra chất lượng đầu vào của vùng trồng, đã đăng ký mã vùng trồng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả ban đầu cho thấy, đối với mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ, cây sinh trưởng và phát triển tốt so với ngoài mô hình. Trọng lượng trái của mô hình từ 600 - 900 gram (ngoài mô hình là 400 - 700 gram). Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ đạt trên 247 triệu đồng/ha/năm (ngoài mô hình là 219 triệu đồng/ha/năm).
Sau khi đề tài được nghiệm thu, UBND huyện Thạnh Phú xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện. Xây dựng chuỗi liên kết mô hình trồng xoài hữu cơ, liên kết các doanh nghiệp trong sản xuất, cung cấp sản phẩm đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ hợp tác xã tham gia các trang thương mại điện tử nhằm nâng cao giá trị chuỗi liên kết sản phẩm và nhãn hiệu chứng nhận.
Để hoàn thiện và phát triển nhãn hiệu chứng nhận trên cần xây dựng thêm hệ thống mẫu sổ sách theo dõi và kiểm tra nhãn hiệu chứng nhận, các mẫu văn bản quản lý... và đề xuất mô hình quản lý. Xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú” như: danh thiếp, thẻ nhân viên, đồng phục, bao bì, nhãn mác sản phẩm, poster quảng cáo, logo dán trên trái xoài, tờ rơi...
Tường Khanh (Sở Khoa học và Công nghệ)