Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

09/10/2024 - 05:42

BDK - Thực hiện hai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục thường xuyên (GDTX), các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (LĐ).

Đoàn công tác HĐND tỉnh giám sát Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tri.

Chú trọng liên kết đào tạo nghề

Theo báo cáo về hoạt động GDNN tại trung tâm GDNN-GDTX của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2023, cùng với giáo dục văn hóa, hầu hết các trung tâm đều có liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh để tổ chức tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp. Có trên 3,6 ngàn học sinh (HS) đào tạo trình độ trung cấp nghề, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho tỉnh. Việc phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo của các trung tâm đã giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) sau đào tạo. Kết quả có trên 80% số LĐ đã qua đào tạo nghề có việc làm thông qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương hoặc nhận hàng về gia công tại gia đình hoặc tự tạo việc làm.

Tại Thạnh Phú, trên cơ sở rà soát đối tượng LĐ có nhu cầu đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX huyện lập danh sách, xây dựng kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức mở lớp đúng theo tiến độ, mục tiêu đề ra. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạnh Phú Đặng Hữu Phước cho biết: Trung tâm đã xây dựng và ban hành chương trình đào tạo, với 26 nghề trên lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nội dung và mục tiêu đào tạo sát với nhu cầu địa phương đào tạo. Trong những năm qua, kết quả đào tạo ổn định. Năm 2023, có 574 học viên, tổng kinh phí đào tạo trên 1 tỷ đồng. Năm 2024, có 533 học viên, tổng kinh phí dự kiến trên 900 triệu đồng.

Hàng năm, UBND huyện Thạnh Phú chỉ đạo các ngành chuyên môn vận động, tuyên truyền, giải thích rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ có nhu cầu khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Qua đó, giúp NLĐ hiểu hơn về chính sách của nhà nước về công tác đào tạo nghề. Định kỳ Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạnh Phú phối hợp với UBND các xã tư vấn tuyển sinh, học nghề cho NLĐ. Để khuyến khích người học tự học, tự tìm hiểu thêm, đầu mỗi khóa học, cán bộ quản lý lớp thuộc Trung tâm GDNN-GDTX huyện thông tin nội quy lớp học, nội dung, thời gian, chính sách khen thưởng những học viên có thành tích cao cũng như đóng góp tích cực cho công tác tổ chức lớp.

Chia sẻ về công tác GDNN tại trung tâm, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP. Bến Tre Lê Thanh Quang cho hay: Từ khi thành lập đến nay, trung tâm có nhiều cố gắng để đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thực hiện nhiều chức năng: dạy văn hóa, dạy nghề phổ thông, hướng nghiệp, liên kết đào tạo trung cấp nghề. Kết quả giáo dục khá vững chắc, chất lượng giáo dục và đào tạo ổn định. Từ 2020 - 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, 4 năm liền trung tâm được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2022, trung tâm thực hiện liên kết đào tạo trung cấp nghề với các trường Trung cấp nghề Nguyễn Tất Thành, Âu Việt (TP. Hồ Chí Minh). Công tác liên kết đào tạo đạt kết quả tích cực, các trường nghề đã đầu tư, trang bị bổ sung trang thiết bị dạy nghề từng năm theo yêu cầu của ngành nghề liên kết đào tạo.

Quan tâm đầu tư

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy và học tại các trung tâm GDNN-GDTX cũng còn gặp không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Tri Trần Quang Tứ cho hay: “Cơ sở vật chất được xây dựng lâu năm đã xuống cấp gây mất an toàn cho HS, giáo viên (GV). Trang thiết bị máy móc được đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp, chưa thực sự đáp ứng với đòi hỏi của thực tế”. Đội ngũ GV giảng dạy các lớp nghề cho LĐ nông thôn còn thiếu; nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề. Các trung tâm thiếu biên chế GV GDTX so với quy mô đào tạo. Đơn cử Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Tri có trên 40 lớp học (33 lớp THPT, 15 lớp trình độ trung cấp) nhưng chỉ có 28 GV. Trung tâm phải hợp đồng GV thỉnh giảng, dẫn đến thiếu kinh phí để chi trả thù lao cho GV thỉnh giảng, nên rất khó cho các trung tâm trong việc tổ chức giảng dạy văn hóa và đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động trong năm của đơn vị.

Hoạt động hai lĩnh vực GDNN và GDTX, các trung tâm GDNN-GDTX có chức năng chuyên môn như các trường THPT. Một số trung tâm có trên 30 lớp học chương trình GDTX cấp THPT và trên 10 lớp học chương trình trung cấp nhưng mức phụ cấp chức vụ đối với cán bộ quản lý được tính như các đơn vị phòng, ban cấp huyện (giám đốc 0,3; phó giám đốc 0,2). Trong khi đó, hiệu trưởng các trường THPT 0,45; phó hiệu trưởng 0,35. GV là tổ trưởng tổ chuyên môn của trường THPT phụ cấp chức vụ 0,25, trong khi đó tổ trưởng tổ chuyên môn của các trung tâm không có phụ cấp chức vụ. Đây là thiệt thòi cho cán bộ quản lý và GV của các trung tâm hiện nay.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng GDNN tại trung tâm GDNN - GDTX rất cần sự quan tâm đầu tư về trang thiết bị, đội ngũ giảng dạy. “Để các trung tâm GDNN-GDTX phát huy hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, các cơ quan ban, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn kinh phí hàng năm để các trung tâm hoạt động. Nghiên cứu, thống nhất tham mưu chính sách áp dụng chế độ tiền lương, vị trí việc làm tại các trung tâm”, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu cho hay.

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu lưu ý các trung tâm cần phát huy vai trò chủ thể, có những giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề. Cần rà soát, đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; có hướng đầu tư, chuẩn hóa cũng như đổi mới phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, giảng dạy phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các trường đào tạo nghề, doanh nghiệp để cùng phối hợp nâng cao hiệu quả, phong phú ngành nghề trong dạy nghề phổ thông cũng như đào tạo nghề cho LĐ xã hội, giải quyết việc làm.

“Sở, ngành chuyên môn và địa phương xác định nhu cầu biên chế GV của các trung tâm, đề xuất Sở Nội vụ xem xét tham mưu, đề xuất phân bổ thêm biên chế GV để các trung tâm GDNN-GDTX đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Các trung tâm tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề, sử dụng nguồn nhân lực địa phương chủ động liên kết, hợp tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới, sáng tạo các phương pháp giảng dạy nhằm giúp cho HS tiếp cận kiến thức dễ dàng. Các địa phương định kỳ hàng năm phối hợp tổ chức truyền thông về GDNN nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề. Từ đó, góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN