BDK.VN - Ngày 24-10-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP (Nghị định 138), quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) cho việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, cũng như cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Nghị định 138 kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho các hoạt động này. Nghị định 138, gồm: 4 chương, 12 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Dưới đây là những Quy định mới về lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ.
Lập dự toán kinh phí mua sắm phải thuyết minh chi tiết về tài sản, trang thiết bị còn thiếu
Nghị định nêu rõ: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị, các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý tài sản thuyết minh chi tiết về tài sản, trang thiết bị có nhu cầu mua sắm để bổ sung, thay mới hoặc sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Nội dung, nhiệm vụ cần thuyết minh chi tiết về tài sản, trang thiết bị còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức trang bị tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương:
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị có tổng dự toán kinh phí thực hiện: dưới 45 tỷ đồng/nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định; từ 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng/nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định phê duyệt…
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương:
HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Quyết toán kinh phí
Các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị theo quy định về quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải lập thành dự án theo quy định, ngoài việc tổng hợp báo cáo quyết toán hàng năm theo quy định, cơ quan, đơn vị áp dụng quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ để thực hiện các nội dung công việc liên quan đến lập, thẩm tra, phê duyệt và quyết toán kinh phí sử dụng chi thường xuyên sau khi hoàn thành dự án
Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí các công trình
Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có dự toán kinh phí thực hiện: dưới 500 triệu đồng sẽ do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công trình xây dựng tổ chức thực hiện theo quy định; từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý công trình lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình để làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Cơ quan Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình có dự toán kinh phí thực hiện: dưới 500 triệu đồng thì thực hiện kiểm soát, thanh toán theo khoản 6 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20-1-2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước và các văn bản hướng dẫn; từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 15 tỷ đồng thì thực hiện kiểm soát, thanh toán theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.