Quy định về việc nhận quà tặng

07/07/2009 - 09:52

(Theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức)

Quà tặng được điều chỉnh tại Quy chế này bao gồm:

- Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá.

- Hiện vật, hàng hóa, tài sản.

- Dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục-đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác.

- Quyền được mua tài sản, nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng thiết bị; các ưu đãi ngoài quy định của Nhà nước; việc sử dụng tài sản, nhà, đất đai, thiết bị của người khác mà không trả hoặc trả không đầy đủ chi phí cho việc sử dụng.

Qui định về việc nhận quà tặng

-Các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật. Quà tặng phải được công khai, quản lý và sử dụng theo đúng các quy định tại Quy chế này.

Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được, cơ quan, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Mục 3 Quy chế này (quy định về việc báo cáo, nộp lại và xử lý quà tặng).

- Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật và phải ký xác nhận; phải kê khai thu nhập trong trường hợp pháp luật có yêu cầu.

Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì CBCCVC phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được, CBCCVC phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định tại Mục 3 Quy chế này.

- Đối với quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình mà những người đó không có mối quan hệ về lợi ích liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà và quà tặng từ những cơ quan, đơn vị, cá nhân không liên quan đến hoạt động công vụ của người được tặng quà thì CBCCVC được tặng quà không phải báo cáo với cơ quan, đơn vị; trong trường hợp pháp luật có yêu cầu kê khai thu nhập thì CBCCVC phải thực hiện kê khai theo đúng quy định.

(Theo các Điều 9, 10, 11 Mục 2, Chương II của Quy chế)

Quy định về việc báo cáo, nộp lại và xử lý quà tặng

Việc báo cáo và nộp lại quà tặng được thực hiện như sau:

- Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại Điều 13 Quy chế này (quy định về trình tự xử lý quà tặng).

- CBCCVC khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải báo cáo thủ  trưởng trực tiếp và nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị mình trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Trường hợp báo cáo và nộp lại quà tặng chậm so với thời hạn nêu trên thì người nhận quà tặng phải giải trình rõ lý do.

- Báo cáo phải thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung sau: loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; mục đích của việc tặng quà (nếu biết).

- Ngoài trường hợp nhận quà tặng từ họ hàng, người thân trong gia đình,  CBCC khi ốm đau, tai nạn hoặc nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, Tết truyền thống được tặng quà có giá trị dưới 500 ngàn đồng Việt Nam mà việc tặng quà đó không liên quan đến các mục đích, hành vi (nhằm mục đích vụ lợi) thì người được tặng quà tự quyết định mà không phải báo cáo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trình tự xử lý quà tặng

Khi quà tặng được nộp lại cho cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải tổ chức tiếp nhận, bảo quản và phải xử lý ngay số quà tặng như sau:

- Đối với quà tặng bằng tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá thì làm thủ tục nộp ngay vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

- Trường hợp quà tặng là hiện vật thì phải:

+ Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường trong nước hoặc quốc tế mà cơ quan quản lý người được tặng có thể so sánh và xác định giá trị. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng thẩm định xác định;

+ Tùy theo số lượng hiện vật được nộp lại, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc tổ chức bán hiện vật công khai 3 tháng hoặc 6 tháng một lần;

+ Đối với quà tặng là dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục-đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác hoặc quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định xử lý cho phù hợp; nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định xử lý;

+ Số tiền thu được (sau khi trừ chi phí liên quan đến việc xử lý hiện vật), các cơ quan, đơn vị nộp vào ngân sách Nhà nước trong thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày bán hiện vật.

- Cơ quan, đơn vị phải lập báo cáo về việc thu, nộp, xử lý quà tặng theo định kỳ hàng quý, hàng năm gửi cơ quan cấp trên trực tiếp và công khai trong cơ quan, đơn vị mình.

- Cơ quan, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị tặng quà hoặc cơ quan, đơn vị quản lý người tặng quà để xem xét việc tặng quà và xử lý theo quy định của pháp luật.

ĐC (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN