Quyền yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

26/04/2020 - 22:10

BDK - Bà Nguyễn Thị Quản (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong một vụ tranh chấp đất. Cháu họ tôi là A., có kiến thức về pháp luật. Tôi có thể nhờ A. bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không; thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Để bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Điều 9 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định:

 “1. Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ.

4. Không ai được hạn chế quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự”.

Tại Khoản 2, Điều 75 BLTTDS năm 2015, những người sau đây có thể làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bao gồm: luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

Để một người có thể làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì phải có đủ hai điều kiện tiên quyết là người được “đương sự yêu cầu” và được “tòa án chấp nhận làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Như bà trình bày, ông A. không phải là luật sư hay trợ giúp viên pháp lý, nên nếu ông A. có đủ kiều kiện theo quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 75 BLTTDS như nêu trên, thì bà có thể nhờ ông A. làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc tranh chấp của bà.

Về thủ tục: Để có cơ sở pháp lý xác lập tư cách của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà, thì trước hết, bà phải lập một văn bản, thể hiện ý chí, yêu cầu của bà là nhờ ông A. làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà.

Tại Tòa án, ông A. phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu, theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 18 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, như sau:

- Văn bản có nội dung thể hiện ý chí của bà nhờ ông A. bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà;

- Văn bản của UBND xã, phường, thị trấn nơi ông A. cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc xác nhận họ không có tiền án, không đang bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an;

- Một trong các loại giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu…).

Khi đã xuất trình đủ các giấy tờ nêu trên, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Tòa án sẽ xem xét để cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để ông A. tham gia tố tụng. Nếu ông A. không có đầy đủ các điều kiện thì Tòa án sẽ không chấp nhận và thông báo bằng văn bản cho bà và ông A. biết, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN