San lấp, lấn chiếm con rạch đất công là trái quy định

18/06/2018 - 07:26

Ông Nguyễn Văn Hái (huyện Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Giữa hai phần đất liền kề của 8 hộ dân chúng tôi với hộ gia đình ông Lít có một con rạch, diện tích khoảng 300m2 (chiều ngang trung bình 4m, dài trên 70m).

Con rạch này đã có từ trước năm 1975, là một trong nhiều nhánh của một cống thủy lợi, giúp cho các hộ dân chúng tôi chuyên chở cây trái, lúa gạo và dùng nước để sinh hoạt, tươi tiêu cây trồng. Đột nhiên, vào khoảng giữa năm 2014, ông Lít tự ý bơm cát san lấp khoảng ¼ con rạch (tính từ đầu cuối con rạch ra). Chúng tôi có ngăn cản và phản ánh đến chính quyền ấp, xã yêu cầu ngăn chặn, giải quyết.

Chúng tôi phát hiện trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), ông Lít được cấp cả phần diện tích con rạch này từ năm 2001. Vụ việc kéo dài, chưa được chính quyền xã giải quyết thì đến tháng 12-2017, ông Lít tiếp tục cấm cừ và rào cản đầu ngoài con rạch, ghe xuồng không ra vào được. Các hộ nằm cuối con rạch hiện không có nước sinh hoạt, tưới tiêu.

Xin hỏi: Chúng tôi phải làm gì để buộc ông Lít trả lại hiện trạng con rạch như từ trước?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) trả lời như sau:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản: “Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung”.

Việc lấn chiếm đất rạch, vừa là đường nước sinh hoạt chung, vừa là mốc giới ngăn cách giữa các thửa đất của các hộ dân sống trên tuyến rạch này của ông Lít là trái quy định của pháp luật.

Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, 8 hộ dân sống trên tuyến rạch có thể đồng làm đơn phản ánh, kiến nghị gửi đến UBND huyện, nơi có con rạch đang tranh chấp, để yêu cầu giải quyết. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh nguồn gốc con rạch, đo đạc thực tế và kiểm tra việc cấp GCNQSDĐ của các hộ dân trên tuyến rạch này.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 87 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: “Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi GCNQSDĐ đã cấp không đúng quy định”. 

Như ông trình bày, nếu cơ quan thẩm quyền có kết luận nguồn gốc đất rạch là do Nhà nước quản lý, là đường nước sinh hoạt, tưới tiêu của các hộ dân đã tồn tại trên 30 năm, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho ông Lít, buộc ông phải trả lại con rạch cho thông thoáng như hiện trạng ban đầu.

Đức Chính (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích