Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng

30/09/2012 - 14:24
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện Quốc phòng.

Sáng 29-9, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua khen thưởng. Phiên họp nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị cho quá trình thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

 

Qua 8 năm thực hiện Luật thi đua khen thưởng, phong trào thi đua đã được các cấp các ngành quan tâm thực hiện. Hiện nước ta có 25 hình thức khen thưởng cấp nhà nước với 42 cấp độ khen. Trong tổng số 78 bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã có 8 đơn vị thành lập Vụ thi đua – khen thưởng; 50% các đơn vị hành chính cấp quận, huyện trong cả nước bố trí cán bộ chuyên trách về công tác khen thưởng. Từ năm 2007 đến nay, nước ta khen thưởng hơn 733.000 Huân chương kháng chiến các loại, 62 Huân chương sao vàng và 200 Huân chương Hồ Chí Minh. Hơn 8.600 trường hợp được khen chuyên đề, đột xuất. Việc xét duyệt thi đua khen thưởng cơ bản đã bám sát quy định và thủ tục hồ sơ theo quy định.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật còn những bất cập như: đối tượng chưa bao cấp được hết các ngành, các cấp và thành phần kinh tế, cải các về thủ tục hành chính chưa mạnh mẽ, phong trào thi đua nhiều nơi còn theo hình thức… Nhiều ý kiến cho rằng: cần đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, quy định về tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng phải chặt chẽ, chính xác, bổ sung các hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, thành tích đến đâu khen đến đấy, tránh khen thưởng chồng chéo và cộng dồn thành tích.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội – Quốc hội khóa 13 nói: “Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật thi đua, khen thưởng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2013 và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2013. Trên cơ sở đánh giá tình hình thi đua, khen thưởng, những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung luật pháp nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện để công tác thi đua, khen thưởng ngày càng hiệu quả hơn. Phiên họp giải trình này cũng là cơ hội để Ủy ban có thêm thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giám sát thực thi pháp luật”.

 

Nguồn ĐCS

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN