Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định của pháp luật dân sự: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Di chúc thường được thể hiện thông qua một hình thức nhất định (có thể là viết hoặc nói); trong đó, người lập di chúc bày tỏ ý chí của mình về việc định đoạt toàn bộ hay một phần tài sản của mình cho một người hay nhiều người khác nhau.
Điều 640 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
“1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ”.
Theo trình bày của ông và quy định pháp luật nêu trên, nếu ông muốn thay đổi một số nội dung trong di chúc thì ông có quyền thực hiện theo ý chí của ông.
Về hiệu lực pháp luật của di chúc, theo quy định tại Điều 643 BLDS 2015 thì di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (tức thời điểm người để lại tài sản chết).
Luật quy định, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
Mặt khác, luật cũng quy định:
- Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
H.Trâm (thực hiện)