Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ có thể tăng từ 4 triệu đồng/tháng theo quy định hiện nay lên 6 triệu đồng/tháng.
Đồng thời, giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 2,4 triệu đồng/tháng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết như trên tại buổi họp báo chuyên đề chiều ngày 8/3 về dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Thứ trưởng nhấn mạnh, theo dự thảo, người có mức thu nhập dưới trung bình sẽ không phải nộp thuế.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ không chỉ mức lương tối thiểu mà còn nhiều yếu tố khác như tốc độ tăng chỉ số giá, tốc độ tăng GDP và Đề án cải cách chính sách tiền lương, điều tra xã hội học về thu nhập và mức sống dân cư.
Cụ thể, theo điều tra thống kê, với giả định thu nhập bình quân tăng mỗi năm khoảng 20% thì đến năm 2014 mức thu nhập bình quân vào khoảng 2.876.000 đồng/tháng, thu nhập của nhóm có thu nhập cao nhất có thể đạt khoảng 7.073.000 đồng/người/tháng.
Do đó, dự thảo luật sửa đổi để mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 6 triệu đồng/tháng (78 triệu đồng/năm), mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,4 triệu đồng/tháng.
Với mức này, sẽ có khoảng 70% số người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế, 70% số người đang nộp thuế ở bậc 2 sẽ giảm mức nộp thuế xuống bậc 1, tương tự, nhiều người nộp thuế ở các bậc trên sẽ nộp thuế ở bậc thấp hơn.
Theo phương án, này, ngân sách sẽ giảm thu 8.150 tỷ đồng.
Dự kiến bỏ mức thuế suất 35%
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4. |
Về biểu thuế lũy tiến từng phần, Thứ trưởng Vũ Thị Mai phân tích, theo Luật hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với mức thuế suất thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%.
Ông Nguyễn Văn Phụng phân tích, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là 25%, theo chiến lược cải cách thuế 2011 - 2020, dự kiến sẽ điều chỉnh xuống khoảng 22 – 23% vào năm 2015, sau đó giảm xuống còn khoảng 20% vào năm 2020.
Để bảo đảm tính tương quan hợp lý giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, đồng thời có tính đến xu thế cải cách thuế ở các nước trong khu vực trong thời gian gần đây, cần thiết phải sửa đổi mức thuế cao 35%.
Dự thảo luật sửa đổi không có bậc 7 với mức thuế suất 35% (đối với người có thu nhập trên 80 triệu/tháng). Như vậy, biểu thuế lũy tiến từng phần sẽ còn 6 bậc, và các bậc giữ nguyên như hiện hành.
Ngoài nội dung về mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến từng phần, dự thảo cũng đề cập tới vấn đề sửa đổi về vấn đề thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, nhiều trường hợp buôn bán bất động sản trốn thuế, lách thuế bằng những hợp đồng ủy quyền cho các sàn giao dịch bất động sản chuyển nhượng và các kiểu hợp đồng đổi nhà, đổi đất.
Để đảm bảo bao quát hết các trường hợp mua- bán bất động sản, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định: thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm cả đổi nhà, đổi đất, thu nhập từ ủy quyền chuyển nhượng nhà đất… đều phải nộp thuế.
Đảm bảo đơn giản, minh bạch
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, quan điểm của việc sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân là kiên trì mục tiêu dài hạn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư công bằng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người nộp thuế, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng.
Những nguyên tắc là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi đảo bảo không làm ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước; bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân góp phần tăng tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.