Bà Nguyễn Thị T có nhu cầu tư vấn: Cháu ngoại tôi (20 tuổi) đi chơi với bạn, trong lúc cự cãi xảy ra xô xát, cháu tôi đã lỡ tay dùng dao gọt trái cây trên bàn đâm A bị thương rồi bỏ trốn. A được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Hôm sau cháu tôi tới Công an phường đầu thú và bị tạm giữ. Xin hỏi: Tạm giữ người phạm tội được quy định ra sao, thời gian tạm giữ là bao lâu? Cháu tôi phải làm gì để được giảm nhẹ hình phạt?
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định:
“1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.…
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện Kiểm sát (VKS) cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”.
Theo quy định tại Điều 118 BLTTHS: Thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày.
Luật quy định, mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì VKS phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng…
Căn cứ vào câu hỏi của bà và đối chiếu với những quy định pháp luật nêu trên thì thời hạn tạm giữ của cháu bà có thể là 3 ngày hoặc gia hạn thêm 3 ngày nữa (tùy theo tình tiết của vụ việc). Nếu cơ quan điều tra không đủ căn cứ để khởi tố thì cháu của bà sẽ được trả tự do.
Cháu của bà được giảm nhẹ hình phạt khi thực hiện một hoặc vài tình tiết sau: tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bản thân cháu bà có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác…
H. Trâm (thực hiện)