Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật

01/07/2019 - 14:18

BDK - Nhân kỷ niệm 197 năm ngày sinh (1-7-1822 - 1-7-2019) và 131 năm ngày mất (3-7-1888 - 3-7-2019) của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, bạn đọc có thể tìm hiểu những thông tin nói về cuộc đời và sự nghiệp của cụ thông qua một số đầu sách chuyên khảo được viết bởi những học giả uy tín của nước ta từ cách nay hơn 40 năm.

Học sinh đọc sách về cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Phòng Danh nhân, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Học sinh đọc sách về cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Phòng Danh nhân, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu.

Những tài liệu quý

Một số tựa sách tiêu biểu hiện được lưu giữ tại Phòng Danh nhân, Thư viện Nguyễn Đình Chiểu như: “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam” (Giáo sư Vũ Khiêu, Nguyễn Đức Sự), “Nguyễn Đình Chiểu, đạo làm người” của Giáo sư Trần Văn Giàu, “Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam”, “Nhớ về đôi mắt” - tiểu luận và thơ về Nguyễn Đình Chiểu của nhà thơ Bảo Định Giang, “Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật”… Có thể nói đây là những tài liệu quý, cung cấp những góc nhìn, phân tích về con người và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu đối với văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Nói đến “Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật”, đây là tập sách được Viện Văn học xuất bản năm 1972 nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu. Đây gần như là một tập tổng luận các bài viết nghiên cứu về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trên nhiều góc độ. Cuốn sách được bố cục thành 2 phần, gồm: Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu và Nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu với hơn 30 bài viết của các học giả lỗi lạc, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ của nước ta. 

Trong tập sách có đăng lại nguyên văn bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”, đăng trên Tạp chí Văn học nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày mất của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (7-1963) của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lúc ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.

Bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật

Trong bối cảnh của năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, trong bài diễn văn tại mít-tinh kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội (tháng 7-1972), nhà hoạt động cách mạng Hà Huy Giáp - Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã nói: “… Chúng ta căm ghét điều mà Nguyễn Đình Chiểu căm ghét, chúng ta yêu thương điều mà Nguyễn Đình Chiểu yêu thương. Nguyễn Đình Chiểu rất cổ điển mà cũng rất hiện đại. Cuộc đời ông, thơ văn ông vẫn là niềm kích động, cổ vũ cho sự nghiệp của chúng ta. Mỗi chúng ta có thể rút ra bài học cho mình từ cuộc đời và sự nghiệp của ông: bài học sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật”.

Phân tích về sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu, ông Hà Huy Giáp đã cho rằng: “Nghệ sĩ lớn là người phản ánh được vào tác phẩm của mình những khía cạnh của vấn đề mà thời đại đặt ra phải giải quyết… Nguyễn Đình Chiểu là người nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam đã xác định vị trí chiến đấu của nhà thơ trên mặt trận đấu tranh cách mạng. Với ông, văn chương không phải chỉ để tu dưỡng mà là một vũ khí chiến đấu sắc bén”.

“Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết.

Bài, ảnh: Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN