Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

21/11/2023 - 13:35

BDK.VN - Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên động vật trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh, ngày 21-11-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh có Công văn số 7163 đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm, bảo đảm tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Nuôi gà thả vườn ở Thạnh Phú.

Nuôi gà thả vườn ở huyện Thạnh Phú.

Tuyên truyền người chăn nuôi quan tâm, tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cho đàn heo trong diện tiêm phòng. Tăng cường giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS).

Tuyên truyền người chăn nuôi thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định. Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi heo, bò; đảm bảo tiến độ xây dựng mô hình an toàn dịch bệnh theo kế hoạch; trên cơ sở thực tiễn sản xuất và nguồn lực của tỉnh tham mưu, đề xuất xây dựng các mô hình an toàn dịch bệnh động vật. Tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, heo, trâu bò và các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò và các sản phẩm động vật; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoạt động cung ứng các loại thuốc, vắc-xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định.

UBND các huyện, thành phố bố trí nhân lực, kinh phí đảm bảo triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y cấp xã theo quy định để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. Phối hợp tốt với ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 7415 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh trên gia súc gia cầm và các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Sở NN&PTNT.

Rà soát, thống kê, báo cáo số liệu chăn nuôi, số liệu tiêm phòng đúng tiến độ, đảm bảo tính chính xác; vận động, tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại mọi thời điểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên vật nuôi và  thông báo kịp thời cho ngành chuyên môn khi phát hiện các ổ dịch để xử lý kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia súc, gia  cầm và các sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Tổ chức kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại cơ sở giết mổ và các quầy, sạp thịt.

Triển khai thực hiện tốt kê khai chăn nuôi đúng quy định của Luật Chăn nuôi, đảm bảo độ chính xác của số liệu kê khai so với thực tế. Quản lý tốt thực trạng chăn nuôi trên địa bàn; báo cáo tình hình chăn nuôi, tình hình tiêm phòng đúng thực chất, đúng tiến độ.

Tin, ảnh: Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN