BDK - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động hụi trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 2-8-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hụi (gọi tắt là Chỉ thị số 16-CT/TU), công tác QLNN về hoạt động hụi trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các ngành chức năng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp hay trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.
Đại biểu tham dự tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thực hiện nghiêm quy định
Theo đánh giá chung, từ năm 2019 cho đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện tăng cường QLNN về hoạt động hụi; trong đó, triển khai sâu rộng Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT). Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức tọa đàm giải pháp tăng cường vai trò QLNN và thi hành pháp luật về hụi.
Ngày 2-8-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hụi. Chỉ thị đã được UBND các cấp phối hợp cùng các đoàn thể, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc. Gần đây, ngày 26-1-2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 552/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 7-12-2023 của HĐND tỉnh về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (lĩnh vực tư pháp) với các giải pháp tăng cường công tác QLNN về hụi.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, hoạt động QLNN về hụi cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động hụi và có giải pháp ngăn chặn, xử lý; góp phần đảm bảo tình hình ANTT và giúp cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Giải pháp quản lý hoạt động hụi
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2023 cho đến nay, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận đăng ký có 1,35 ngàn dây hụi với 29,08 ngàn hụi viên (HV), tổng giá trị các phần hụi đăng ký là 58,367 tỷ đồng (hiện còn khoảng 380 dây hụi chưa thực hiện đăng ký theo quy định).
Riêng trên địa bàn 2 huyện Thạnh Phú và Châu Thành (2 địa phương xảy ra vỡ hụi) có 583 chủ hụi của 1.727 dây hụi, với trên 25,51 ngàn HV (có hơn 90% là đoàn viên, hội viên phụ nữ và một số ít đảng viên tham gia); tổng số tiền tham gia hoạt động hụi trên 127 tỷ đồng. Trong đó, có 252 chủ hụi đã đăng ký với 1.074 dây hụi, hơn 19,8 ngàn HV với số tiền 66,116 tỷ đồng; chưa đăng ký 331 chủ hụi, 653 dây hụi, hơn 5,69 ngàn HV với số tiền hơn 61,97 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ vỡ hụi với số tiền trên 10,79 tỷ đồng. Trong đó, có 3 vụ đã đăng ký, số tiền 1,16 tỷ đồng và 7 vụ chưa đăng ký, số tiền hơn 9,63 tỷ đồng. Các vụ vỡ hụi đã được hướng dẫn người liên quan nộp đơn đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Đối với hoạt động xét xử của tòa án, tính từ năm 2020 đến nay, Tòa án nhân dân 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý hơn 1 ngàn vụ án dân sự sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý phúc thẩm 63 vụ dân sự liên quan đến hụi. Số lượng án sơ thẩm thụ lý tăng từ 156 vụ (năm 2021) lên 337 vụ (năm 2023 đến nay); án phúc thẩm tăng từ 10 vụ (năm 2021) lên 24 vụ (năm 2023 đến nay).
Tại buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động hụi, do Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Thạnh Phú tổ chức vào trung tuần tháng 8-2024. Đại biểu tham dự đã tham luận, thảo luận nhiều nội dung; trong đó, nội dung tăng cường công tác QLNN đối với hoạt động hụi đã được đại biểu các sở, ngành, địa phương quan tâm thảo luận với nhiều vấn đề.
Đại biểu đã đề nghị nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường hiệu quả QLNN về hoạt động hụi. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh đã thống nhất kiến nghị Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP nhằm sát hợp với tình hình thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN trong lĩnh vực này.
“Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động hụi; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, liên tục. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và duy trì thực hiện hiệu quả các mô hình, cách làm hay trong vận động nhân dân chấp hành đúng quy định pháp luật về hụi”.