Tăng cường tuyên truyền luật pháp về tổ chức đình công

06/04/2011 - 08:04

Ngày 24 và 25-3-2011, tại Công ty TNHH một thành viên Pung Kook (Hàn Quốc), Khu Công nghiệp Giao Long (Châu Thành) có gần 300 công nhân đang làm việc tổ chức đình công (2 buổi), đề nghị ban giám đốc công ty giải quyết một số vấn đề liên quan đến người quản lý; định mức suất ăn; trả lương trong những ngày công ty cho công nhân nghỉ; tăng phụ cấp đi lại…

Đại diện Công đoàn Các Khu công nghiệp cùng các ngành hữu quan đã có mặt để nắm tình hình. Theo bà Nguyễn Ngọc Nữ - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp, việc công nhân đang làm việc cho Công ty TNHH một thành viên Pung Kook đình công là trái pháp luật. Bà Nữ cùng các thành viên trong đoàn đã vận động công nhân chấm dứt đình công, không gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty và thu nhập của công nhân. Ngay sau đó, tất cả công nhân tham gia đình công đã trở lại làm việc bình thường. Đoàn cũng đã trực tiếp làm việc và được đại diện ban giám đốc công ty đồng ý điều chỉnh một số yêu cầu, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động.

Công ty TNHH một thành viên Pung Kook bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-2011, với ngành nghề sản xuất là may túi da các loại. Công ty đã nhận 1.200 công nhân vào làm việc và đang tiếp tục tuyển dụng để nâng tổng số lên 3.000 lao động. Hiện tại, Công ty chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Việc đình công của công nhân chưa tuân thủ đúng điều 172a của Bộ luật Lao động: Đối với doanh nghiệp chưa có ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc tương đương… Liên đoàn Lao động cấp huyện hoặc tương đương phối hợp với cơ quan lao động cấp huyện hướng dẫn tập thể lao động cử đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp. Những người được cử làm đại diện tập thể lao động để tổ chức và lãnh đạo đình công có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động về việc tổ chức, lãnh đạo đình công; có các quyền hạn và nghĩa vụ như đối với thành viên ban chấp hành công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức và lãnh đạo đình công; được hưởng quyền lợi như cán bộ công đoàn cơ sở khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động trong quá trình làm đại diện tập thể lao động; thời gian làm đại diện tập thể lao động được tính từ thời điểm tập thể lao động cử đến khi kết thúc việc giải quyết tranh chấp lao động.

 Qua sự việc vừa nêu, bà Nguyễn Ngọc Nữ cho rằng, cần thiết phải thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người lao động; kịp thời thương lượng, đề nghị người sử dụng lao động đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng cho công nhân lao động theo quy định của pháp luật; tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động với người lao động, hạn chế tối đa việc đình công, lãn công, gây thiệt hại cho chủ doanh nghiệp và người lao động.

 

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN