Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh lấy hình ảnh cây dừa làm trung tâm.
Những nút thắt cần gỡ
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn về hiện trạng ngành du lịch tỉnh, hạn chế chủ yếu là chưa xác định được sản phẩm du lịch đặc thù để tập trung xây dựng tạo nên thương hiệu du lịch tỉnh. Từ những điều kiện về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, thời gian qua, tỉnh khai thác mạnh loại hình du lịch sinh thái, những năm gần đây phát triển mạnh thêm du lịch homestay, được du khách nước ngoài ưa thích. Các địa phương khai thác tốt để làm du lịch sinh thái như các xã cánh Đông huyện Châu Thành (Tân Thạch, Tân Phú, An Khánh...); cánh Nam TP. Bến Tre (Nhơn Thạnh, Phú Nhuận, Mỹ Thạnh An); Chợ Lách; Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú)…
Một số các dự án lớn nhằm xây dựng điểm du lịch đặc thù của tỉnh cũng đã được triển khai. Có thể kể đến như: Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre” tại Thạnh Phú; Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với loại hình du lịch homestay kiểu mới tại Bến Tre”; Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách. Đối với các giá trị về văn hóa, lịch sử của tỉnh thì chưa được khai thác có hiệu quả. Trong khi đó, tỉnh ta lại có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Di tích Đồng khởi (Mỏ Cày Nam), Di tích Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri).
Tuy nhiên, giữa các điểm du lịch trong tỉnh cũng còn thiếu tính liên kết, trùng lắp sản phẩm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Khai thác du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh tuy mạnh nhưng chưa tạo được nét riêng. Điều này khiến cho việc định hình vị trí và xây dựng thương hiệu du lịch xứ Dừa trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cũng còn là một vấn đề mà ngành chức năng phải trăn trở khi hầu như các điểm kinh doanh du lịch đều là tự phát, người dân tham gia làm du lịch nên chưa có kiến thức, kỹ năng bài bản. Lực lượng hướng dẫn viên vẫn còn chưa đồng đều về nghiệp vụ cũng như kiến thức văn hóa - xã hội, lịch sử địa phương, cùng với đó là giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, vấn đề vệ sinh môi trường (rác thải, tiếng ồn, mùi hôi...) dẫn đến nhiều bất cập.
Các ý tưởng cho tầm nhìn
Qua các đợt tham vấn ý kiến giữa ngành chức năng, doanh nghiệp du lịch với các chuyên gia tư vấn, các ý tưởng kỳ vọng cho ngành du lịch của tỉnh cũng đã dần hình thành. Tầm nhìn cho 10 năm tới và xa hơn chính là phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Muốn như vậy, cần sắp xếp, tổ chức lại hoạt động. Vấn đề quy hoạch, phát triển du lịch cần được đặt trong quy hoạch phát triển du lịch chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, tại Diễn đàn kết nối du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để liên kết phát triển các địa phương một cách hiệu quả cũng được đưa ra bàn sâu.
Mục tiêu đặt ra là Bến Tre trở thành điểm đến lý tưởng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phát triển một nền du lịch xanh, thân thiện, mang tính đặc thù của khu vực. Ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh cần làm nổi rõ thế mạnh đặc thù của địa phương, định hướng phát triển du lịch lấy dừa làm chủ đạo, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo tham vấn ý kiến của các chuyên gia tư vấn, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh có thể xác định thành 4 cụm chủ đạo. Đó là: cụm du lịch sinh thái trải nghiệm (khu vực Châu Thành, TP. Bến Tre, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam), du lịch giải trí, nghỉ dưỡng ven biển Thạnh Phú, cụm tour du lịch văn hóa tâm linh Ba Tri - Bình Đại, cụm du lịch MICE tại TP. Bến Tre, Châu Thành. Tại mỗi cụm, cần có sự đầu tư thích đáng hơn cho các điểm đã có cũng như đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho truyền thông quảng bá du lịch.
Một số đề xuất cũng được nêu ra như: đối với cụm du lịch sinh thái, trải nghiệm: xây dựng làng hoa, khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông, khu phức hợp đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, phát triển chợ đêm, chợ nổi trên sông, công viên giải trí dừa. Đối với cụm du lịch giải trí nghỉ dưỡng ven biển Thạnh Phú: phát triển resort nghỉ dưỡng, các dịch vụ giải trí ven biển như bar, club, spa chăm sóc sức khỏe, phát triển mạnh tour du lịch rừng ngập mặn. Đối với cụm du lịch văn hóa tâm linh Ba Tri, Bình Đại thì tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội...
Phác họa một Bến Tre với ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng đang dần hình thành. Các chuyên gia tư vấn đang giúp tỉnh hệ thống lại những thực trạng, kỳ vọng, cũng như giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Nhưng quan trọng hơn hết là chính những người làm du lịch tỉnh phải thật sự vào cuộc, trong đó các doanh nghiệp du lịch nêu cao vai trò chủ đạo của mình để phát triển du lịch tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Thanh Đồng