Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận trợ giúp pháp lý

28/09/2022 - 05:34

BDK - Nhiều người nghèo khi gặp những vấn đề về pháp lý thì lúng túng, không có ứng xử phù hợp. Nguyên nhân do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết pháp luật. Để người nghèo bớt thiệt thòi, nhiều năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh nỗ lực hoạt động khi có người nghèo cần được hỗ trợ, hướng dẫn trước những tình huống pháp lý.

Trợ giúp viên dự buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý năm 2022.

Trợ giúp viên dự buổi tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý năm 2022.

Sự việc đáng tiếc

Phải chi ngày đó biết đến công tác TGPL cho người nghèo thì gia đình anh P.T.B ngụ huyện Bình Đại đã có thể vơi bớt nỗi khổ. Anh P.T.B là hộ nghèo, có 1 vợ, 2 con. Anh can tội giết người sau khi ẩu đả trong men rượu với người hàng xóm. Tòa án tỉnh tuyên án anh P.T.B 11 năm tù. Mỗi tháng, gia đình anh phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 500 ngàn đồng  cho con người bị hại từ khi 5 tuổi tới năm 18 tuổi.

Gia đình bị hại kháng án, thuê luật sư vì muốn anh P.T.B tăng án tù, tăng mức nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong cuộc chiến đấu lý đó, gia đình anh B không biết chữ, lại không quen biết ai nên ngày anh B ra tòa cấp trên (tại TP. Hồ Chí Minh do phía gia đình bị hại kháng án), gia đình anh B không nhờ được ai TGPL. Gia đình anh B thuê một chiếc xe 16 chỗ lên TP. Hồ Chí Minh để dự phiên tòa, nhưng không được vào dự. Cả gia đình ngồi dưới bóng cây bên đường chờ và ra về trong sự thất vọng.

Vì phía bị hại kháng án và có thuê luật sư, bên P.T.B dù có những tình tiết có thể giảm nhẹ án nhưng B không có ai TGPL. B trơ trọi giữa phiên tòa. Kết quả phiên tòa cấp trên phán quyết tăng án P.T.B thêm 3,5 năm, thành 14,5 năm tù, tăng tiền nghĩa vụ cấp dưỡng lên 1 triệu đồng/tháng. Gia đình anh B trở về bán đất của anh B để thực hiện bồi thường cho bị hại. Vợ con anh B không còn nhà, ở đậu nhà người thân.

Sự việc xảy ra cách đây khoảng 10 năm, anh P.T.B đã thực hiện xong án tù. Anh trở về và vợ đã có hướng rẽ khác. Con cái đã lớn, nhà cửa, đất đai canh tác không còn. Anh B làm lại cuộc đời không phải chuyện dễ. Nếu ngày đó, anh B được TGPL thì anh và gia đình đã không tới nỗi phải bán hết đất đai. Rất nhiều lời “phải chi” được thốt ra nhưng thời gian thì không thể quay trở lại.

Đồng hành cùng người nghèo

Sự việc của anh P.T.B xảy ra khoảng 10 năm trước. Trong câu chuyện này, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Võ Vũ Liêm cho rằng: Cách đây 10 năm, công tác TGPL chưa được bài bản như ngày nay. Trong hoạt động của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, đội ngũ những người làm TGPL luôn nhắc nhau rằng, đừng bỏ sót đối tượng trong diện được trợ giúp. Nhận thức của người dân về quyền của mình là không biết và rõ ràng là cần lắm cầu nối để người dân được tiếp cận TGPL.

Sau nhiều năm hoạt động, công tác TGPL ngày càng được thực hiện bài bản, với các quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền, phạm vi. Đặc biệt, năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành các tiêu chí xác định vụ việc tham gia tố tụng TGPL thành công làm cơ sở để địa phương xác định vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công. Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Võ Vũ Liêm cho biết: “Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên ngành tư pháp có các tiêu chí để đánh giá sự thành công đối với một vụ việc dịch vụ pháp lý cụ thể. Tại tỉnh, đa số trợ giúp viên khi tham gia tố tụng thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục, thời hạn tố tụng, thời gian làm việc, đảm bảo khách quan, toàn diện trong đánh giá chứng cứ. Số vụ việc thành công, hiệu quả đạt 35%; không có vụ việc nào bị đánh giá không đạt chất lượng”.

Trong thời điểm kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách (tại Bến Tre là 24 năm), Giám đốc Sở Tư pháp Võ Minh Thưởng phát biểu: “Hiệu quả thấy rõ nhất của hoạt động này là đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân nói chung và người được TGPL nói riêng. Từ đó, người dân lựa chọn những hành vi xử sự phù hợp với pháp luật; quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ, tạo thuận lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách và những đối tượng khác có điều kiện tiếp cận với dịch vụ TGPL ngay tại địa bàn. Giảm bớt thời gian, hạn chế tốn kém và chi phí đi lại, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội”.

Tại tỉnh, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thành lập theo Quyết định số 912 ngày 15-6-1998 của UBND tỉnh. Hiện nay, trung tâm được giao và tuyển đủ 24 biên chế. Số trợ giúp viên pháp lý của trung tâm gần 20 người, đứng thứ nhì trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 6 trong cả nước.

Trung bình hàng năm, số vụ việc thực hiện TGPL từ 300 - 400 vụ. Riêng năm 2012 là 900 vụ việc, năm 2013 là 828 vụ việc. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau dịch Covid-19 đến nay, số vụ việc thực hiện TGPL được tiếp nhận tại Bến Tre có tỷ lệ tăng cao nhất cả nước.

Bài, ảnh: Phương Khê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN