Tập huấn giám sát bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ

19/09/2023 - 20:03

BDK - Ngày 19-9-2023, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến với ngành giáo dục và y tế các huyện, thành phố trong tỉnh về giám sát tay chân miệng (TCM) và đau mắt đỏ (ÐMÐ) trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tại điểm cầu tỉnh, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Võ Văn Bé Hai chủ trì. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nguyễn Hữu Ðịnh; đại diện Sở Y tế, Khoa Phòng chống truyền nhiễm năm 2023 thuộc CDC tỉnh tham dự.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

BS.CKI. Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 thuộc CDC tỉnh trình bày về tình hình bệnh TCM và ÐMÐ tại khu vực phía Nam và trên địa bàn tỉnh; đặc điểm của bệnh; xử lý ổ dịch TCM và ÐMÐ tại cơ sở giáo dục cùng những khuyến cáo phòng bệnh. Trẻ em dưới 3 tuổi là đối tượng có nguy cơ và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bệnh TCM. Bệnh TCM thường lây lan qua đường ăn, uống thức ăn nhiễm vi-rút TCM, bàn tay bẩn nhiễm vi-rút TCM, đồ chơi, đồ dùng nhiễm vi-rút TCM và qua đường hô hấp.

BS. CKI. Lâm Ðức Thiện - Khoa Mắt Bệnh viện Nguyễn Ðình Chiểu trình bày thực tiễn về bệnh ÐMÐ. Ngày 18-9-2023, toàn tỉnh ghi nhận 1.268 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 3.527 ca (từ ngày 11 đến 18-9-2023), ở 262 cơ sở giáo dục trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Trong đó, Khoa Mắt Bệnh viện Nguyễn Ðình Chiểu tiếp nhận trung bình từ 10 - 15 ca/ngày, đa phần là trẻ em. Ngành chức năng cũng như các đơn vị liên quan khuyến cáo vệ sinh những vật dụng như: nắm tay cửa, điện thoại, bàn phím, chăn, gối, khăn… khi người bệnh có tiếp xúc. Người bệnh hạn chế đi học, đi làm khi mắt còn đỏ và chảy nước mắt (ít nhất 7 ngày). Nếu có những dấu hiệu bệnh nên sớm đi khám và tuân thủ theo dõi, điều trị ở cơ sở y tế có chuyên khoa mắt.

Tin, ảnh: Lê Ðệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN