
Lặt lá mai chuẩn bị đón Tết. Ảnh: A. Nguyệt
Dọn dẹp nhà cửa
Đối với những gia đình là công chức, viên chức, thời điểm cuối năm thường bận rộn bởi 2 đầu việc, vừa khẩn trương hoàn thành tổng kết cuối năm ở cơ quan, đơn vị vừa phải chăm lo cho gia đình nhỏ cũng như gia đình hai bên nội, ngoại. Hơn nữa khi năm nay, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên hầu như vào thời điểm này, các gia đình đều đang chuẩn bị dần cho Tết. Chị Lê Nguyễn An Nhiên (huyện Ba Tri) chia sẻ: “Do đặc thù công việc, con cái học hành nên ngày thường tôi ít về quê dù từ TP. Bến Tre về quê chưa tới 50km. Từ đầu tháng Chạp hàng năm, gia đình tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sớm để sắp xếp về quê chuẩn bị Tết cho gia đình nội ngoại”.
Đối với một số gia đình khác, vì bận rộn nên chọn cách thuê người phụ quét dọn nhà cửa, dọn vườn tược nhưng thời điểm giáp Tết cũng khó kiếm được người phụ dọn. “Dù bận rộn nhưng theo quan niệm dân gian Việt Nam thì lau dọn nhà cửa là ưu tiên hàng đầu. Có thể không trang trí, mua sắm nhiều để tiết kiệm nhưng việc dọn dẹp nhà cửa cuối năm là điều không thể thiếu để đón một năm mới tươm tất, mới mẻ hơn”, chị Thanh Lan (TP. Bến Tre) chia sẻ. Cũng là một viên chức, chị Thanh Lan tranh thủ được những ngày cuối tuần để về quê dọn dẹp, chuẩn bị Tết. Cùng với việc dọn dẹp thì việc sắm sửa, bày trí cũng được nhiều gia đình chú trọng.
Đối với những bạn trẻ còn độc thân, việc chuẩn bị đón Tết có phần đơn giản hơn. Anh Nguyễn Minh Trung (quê Trà Vinh) cho biết: “Do Tết thì tôi cũng sẽ về quê nên với nhà ở TP. Bến Tre thì cũng không trang hoàng gì nhiều, chủ yếu dọn dẹp cho sạch sẽ tươm tất, chuẩn bị gạo và thực phẩm cơ bản để đầu năm mới đủ đầy theo quan niệm truyền thống”.
Bạn Nguyễn Trọng Hiếu (24 tuổi), quê huyện Mỏ Cày Nam, làm việc tại TP. Bến Tre bộc bạch: “Thường đến 27 tháng Chạp, em sẽ đảm nhận việc mua hoa, dưa hấu và trang trí. Em và em gái sẽ cùng dọn dẹp nhà cửa. Là năm đầu tiên em có việc làm ổn định và đúng sở thích của mình nên em tự tin chia sẻ, cởi mở nhiều hơn với gia đình, họ hàng và bạn bè. Em cũng đã chuẩn bị quà để mừng tuổi bố mẹ”.
Anh Đinh Long Châu (ngụ xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre) chia sẻ, cha mẹ anh qua đời đã lâu. Hiện mộ phần được đặt tại quê nhà thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam. Năm nào cũng vậy, dù thời gian gần Tết có bận rộn nhiều việc nhưng anh cùng anh chị em trong gia đình luôn dành thời gian để về tảo mộ, quét dọn, sửa sang mộ phần cha mẹ và ông bà (thường vào ngày 24 hoặc 25 tháng Chạp mỗi năm). “Tôi xem đó là bổn phận, trách nhiệm không thể thiếu của người con đối với cha mẹ mình. Với tôi, vật phẩm dâng cúng ngày tảo mộ cũng cần nhưng quan trọng là tấm lòng hiếu kính, thành tâm hướng về cha mẹ, anh em vui vẻ hòa thuận thì hương linh cha mẹ mới an lòng, việc tảo mộ mới thật sự có ý nghĩa”, anh Châu bày tỏ.
Vun vén chăm lo
Theo chị An Nhiên, làm cả năm cũng muốn có Tết đàng hoàng. Chị lên kế hoạch những khoản chi tiêu cuối năm, thăm hỏi, quà cáp cho hai bên nội ngoại. Những khoản chi phí không tên dịp Tết làm chị xoắn não, phải vừa đầy đủ ý nghĩa ngày Tết vừa đảm bảo ngân sách gia đình.
Chị Hà Thị Anh, một viên chức quê huyện Bình Đại chia sẻ: “Ngày Tết thì không chỉ là chuẩn bị tươm tất cho gia đình mình mà còn phải lo chu toàn lễ nghĩa cho hai bên gia đình. Đó cũng là cách mình dạy cho các con truyền thống hiếu nghĩa, hướng về nguồn cội, là niềm vui của đại gia đình vào ngày Tết. Nhưng tất nhiên, mỗi năm thì cũng tùy vào khả năng của gia đình mà hai vợ chồng mình cân đối sao cho phù hợp”.
Làm thợ tóc tại một cửa tiệm trên đường Phan Đình Phùng, phường Phú Khương, TP. Bến Tre đã gần 3 năm, đây là năm thứ 2 Nguyễn Thị Xuyến (tỉnh Bình Định) không về quê đón Tết. “Em ở đây cùng gia đình chị gái nhưng vẫn thấy buồn và nhớ quê mỗi khi tiết trời se lạnh. Muốn về nhà nhưng nghề em thường làm xuyên Tết để phục vụ nhu cầu làm đẹp cho khách nên chấp nhận đón Tết xa nhà. Em đã đặt các mối quen trái cây, đặc sản Bến Tre để chuẩn bị gửi về gia đình làm quà”, Xuyến bộc bạch.
Vừa là gia đình có người thân là liệt sĩ vừa thuộc hộ nghèo trên địa bàn ấp Giồng Ao, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, gia đình bà Nguyễn Thị Mới có 6 nhân khẩu, trong đó có 2 cháu nội (đứa 4 tuổi, đứa 3 tuổi). Hàng ngày, bà Mới phải bán vé số kiếm sống. đối với gia đình bà, mỗi cái Tết lại là một lần vất vả lo toan. Bà Mới cho biết: Tết năm nay gia đình chưa chuẩn bị gì nhưng sẽ ráng có nồi thịt kho tàu với canh khổ qua theo tục lệ cho qua khổ. Bà bán vé số từ đây đến Tết để có chút đỉnh mua quà đi Tết ông bà hai bên. “Gia đình thuộc hộ nghèo nên hàng năm chính quyền xã quan tâm hỗ trợ, tặng phần quà Tết, gia đình cũng có cái gọi là không khí chuẩn bị Tết”, bà Nguyễn Thị Mới chia sẻ.
Tết sum vầy bên người thân, gia đình là điều mà dù trong hoàn cảnh nào, ai cũng mong muốn có được. Một năm vất vả, bộn bề lo toan sắp qua đi, nhường chỗ cho hơi ấm tình thân, tình người.
Tết là dịp để mọi người cùng hướng về gia đình, hướng về những giá trị truyền thống, chăm sóc cho cha mẹ, ông bà. Đồng thời, cũng là thời điểm con cháu hướng lòng thành kính, tưởng nhớ ông bà, cha mẹ và người thân đã khuất thông qua các hoạt động tảo mộ, thăm mộ. Đây cũng là một trong những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của người Việt, mang ý nghĩa thiêng liêng nhớ về cội nguồn gia đình, thân tộc. |
A. Nguyệt - Ph. Hân - Th. Đồng