BDK - Phó chủ tịch UBND xã Phú Lễ, huyện Ba Tri Hạ Chí Chức cho biết: Xã Phú Lễ là xã điểm được huyện và tỉnh chọn triển khai thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Qua thời gian thực hiện đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức sâu sắc và mang lại hiệu quả tích cực cho bà con nông dân, nhất là triển khai CĐS trong nông nghiệp.
Hệ thống cảnh báo sâu rầy tại vùng sản xuất lúa tập trung ấp Phú Thạnh, xã Phú Lễ (Ba Tri).
Toàn xã có diện tích sản xuất lúa 470ha, trong đó, ấp Phú Thạnh là địa bàn sản xuất lúa tập trung của địa phương. Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, toàn xã đã xuống giống gieo sạ trên diện tích 470ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 650tạ/ha, sản lượng 3.055 tấn, đạt 118,91% kế hoạch đề ra. Trong nông nghiệp, người dân Phú Lễ đã tận dụng triệt để diện tích đất và phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi bò (trồng cỏ và rơm), hiện tổng đàn bò toàn xã có 5.050 con, đây như là một nghề truyền thống và là địa phương có mật độ chăn nuôi bò lớn nhất của huyện. Ngoài ra, trong phát triển kinh tế - xã hội, Phú Lễ còn có nhiều nghề truyền thống khác như: đan đát, kháp rượu… góp phần nâng cao thu nhập cho của bà con.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Lễ Hạ Chí Chức, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với CĐS tại địa phương, năm 2022, xã Phú Lễ xây dựng và trình huyện phê duyệt vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 40ha, có 62 hộ tham gia tại ấp Phú Thạnh. Năm 2023, vùng sản xuất lúa tập trung cũng đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn và triển khai thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP đối với vùng sản xuất lúa tập trung này. Riêng vụ sản xuất lúa Đông Xuân vừa qua, vùng sản xuất lúa tập trung đạt năng suất bình quân đạt 650 tạ/ha, sản lượng 2.600 tấn.
Theo bà Hồ Thị Hiền - công chức Nông nghiệp và môi trường xã Phú Lễ cho biết: Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến gay gắt, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn, để sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, giảm thiệt hại, rủi ro và giảm chi phí cho bà con nông dân, xã Phú Lễ được trên đầu tư hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn thông minh. Trong những tháng đầu năm 2024, từ nguồn kinh phí hỗ trợ CĐS, địa phương đã lắp đặt xong hệ thống cảnh báo sâu rầy tại vùng sản xuất lúa tập trung ấp Phú Thạnh với tổng kinh phí 539 triệu đồng. Hệ thống này sẽ giúp người nông dân giám sát côn trùng trên đồng ruộng (mật độ sâu, rầy), cung cấp thông tin diễn biến thời tiết trong ngày, cảm biến gió, đo nhiệt độ, độ ẩm, tổng lượng mưa… tất cả được kết nối với điện thoại thông minh, máy tính của bà con. Huyện và tỉnh cũng cho chủ trương và chuẩn bị đầu tư hệ thống tưới tự động cho vùng sản xuất lúa tập trung (tự động điều chỉnh và cân bằng mực nước trên đồng ruộng).
Bà Trà Thị Ơi, ấp Phú Thạnh, người có 3ha sản xuất lúa cho biết: Với sự quan tâm và đầu tư của trên đã giúp bà con nông dân trong vùng sản xuất lúa tập trung của địa phương giảm đi rất nhiều chi phí như nhân công, thăm đồng, phân bón, thuốc trừ sâu… nên lợi nhuận sau thu hoạch cao hơn so với sản xuất lúa ngoài vùng.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Lễ Hạ Chí Chức, đây thật sự là mô hình sản xuất lúa áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại, làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất lúa truyền thống của người dân, nâng cao nhận thức của bà con trong công tác CĐS. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao đời sống của người dân, để từ đó, bà con tích cực hơn trong tham gia xây dựng NTM. Hiện nay, xã Phú Lễ tự đánh giá đạt cơ bản 13/19 tiêu chí xã NTM nâng cao.