Thẩm quyền xác định cha, mẹ cho con

13/02/2022 - 18:08

BDK - Bà Lê Thị A có nhu cầu tư vấn: Tôi và ông N có chung một con trai. Tôi muốn làm giấy khai sinh (GKS) cho con nhưng ông N không thừa nhận cháu là con của mình. Xin hỏi: Cơ quan nào có thẩm quyền xác định ông N. là cha của cháu bé? Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại khoản Khoản 1 Điều 3, Khoản 1 Điều 7, Điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ con là công dân trong nước sẽ do UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Mặt khác, tại khoản 1, Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định thẩm quyền xác định cha, mẹ, con là do “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp”.

Với những quy định trên, UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con đối với những trường hợp cá nhân cư trú ở trong nước không có tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch, thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các bước sau:

1. Người yêu cầu đăng nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ, chứng minh quan hệ cha, mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, Điều 89 Luật HN&GĐ còn quy định: 1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. 2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Tại quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật HN&GĐ: Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của luật này. Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Do vậy, trường hợp bà chung sống với ông N có một con, nhưng ông N không thừa nhận cháu là con, thì bà có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án (nơi ông N cư trú) xác định cha cho con theo quy định của pháp luật.

Bà có thể liên hệ với cơ quan tòa án để được hưởng dẫn giải quyết. Khi đến tòa án bà cần mang theo các loại giấy tờ sau:

- Giấy tờ liên quan đến nhân thân của bà như chứng minh nhân dân, hộ khẩu của bà và của ông N. (nếu có).

- Giấy tờ, chứng cứ có liên quan đến mối quan hệ của bà với ông N. (nếu có).

- Các loại giấy tờ liên quan đến con bà như  giấy chứng sinh, các loại  giấy tờ khác liên quan.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN