Thời giờ làm việc đối với người lao động cao tuổi

01/07/2018 - 19:34

Ông Hà Văn Mới (TP. Bến Tre) có nhu cầu tư vấn: Tôi sinh ngày 10-8-1958, nguyên là kỹ sư công nghệ chế biến thực phẩm của một công ty quốc doanh (nay là công ty cổ phần) đã nhiều năm. Tôi đủ tuổi nghỉ hưu vào ngày 10-8-2018 và được công ty làm thủ tục cho nghỉ hưu theo quy định. Công ty có mời tôi ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ngày 1-9-2018.

Xin hỏi: Nếu tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động mới, tôi có được hưởng chế độ về thời giờ làm việc đối với người lao động (NLĐ) cao tuổi không?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) trả lời như sau:   

- Như ông trình bày, trường hợp của ông là người cao tuổi tiếp tục lao động được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 166, Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012. Ông được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 167 BLLĐ năm 2012: “Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, NLĐ cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Không được sử dụng NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe NLĐ cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của NLĐ cao tuổi tại nơi làm việc”.

Mặt khác, tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, ngày 10-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của BLLĐ năm 2012 quy định: “Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 1 giờ đối với NLĐ cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu”. Theo đó, NLĐ cao tuổi được trả lương cho thời giờ rút ngắn này trong năm cuối trước khi nghỉ hưu. Ông không thuộc đối tượng quy định tại điều luật này.

Tuy nhiên, do ông là “NLĐ cao tuổi” nên viện dẫn theo quy định tại Khoản 10, Điều 3 Nghị định số 45 thì ông vẫn được rút ngắn thời giờ làm việc mỗi ngày ít nhất 1 giờ và được trả lương cho thời giờ rút ngắn hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian theo quy định tại Khoản 2 Điều 166 BLLĐ năm 2012: “NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”.

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 4, BLLĐ năm 2012 cũng thể hiện việc khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho NLĐ có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Do vậy, sau khi nghỉ hưu, nếu ký hợp đồng lao động mới, ông cần biết những quy định của pháp luật đối với “NLĐ cao tuổi” để có những thỏa thuận phù hợp nhằm bảo đảm được hưởng quyền lợi trong quá trình làm việc sau này.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN