Thành phố Long Xuyên, một trong những trung tâm đô thị lớn của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ngày 19-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định Thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch
Theo Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19-8-2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (gọi tắt là Hội đồng điều phối vùng) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực. Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Các Ủy viên: Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19-8-2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực. Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Vẻ đẹp quyến rũ của Sa Pa (Lào Cai) mùa lúa chín. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Hai Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng quy định.
Bộ máy tham mưu, giúp việc của Hội đồng điều phối vùng, các bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh liên quan đến hoạt động điều phối vùng, gồm: Văn phòng Hội đồng điều phối vùng, Tổ điều phối cấp bộ, Tổ điều phối cấp tỉnh và Tổ chuyên gia tư vấn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng, sử dụng bộ máy giúp việc để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Văn phòng Hội đồng điều phối vùng. Biên chế công chức của Văn phòng Hội đồng điều phối vùng thuộc biên chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Nhiệm vụ, quyền hạn của 2 Hội đồng điều phối vùng
Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ điều phối các hoạt động trong lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia trong phạm vi liên quan, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, quy hoạch tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, đề xuất việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố nằm ngoài thẩm quyền của từng địa phương trong vùng.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+