Thừa kế quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

20/10/2024 - 19:27

Ông N.V.T có nhu cầu tư vấn: Ông nội tôi chết có để lại cho cha tôi (là con trai duy nhất) 5.000m2 đất vườn, cha tôi chưa làm thủ tục sang tên đứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Năm 2022, trước khi chết cha tôi có lập di chúc cho tôi được hưởng 5.000m2 đất vườn (ông chưa làm thủ tục đứng tên QSDĐ).

Xin hỏi: Đất chưa có giấy chứng nhận QSDĐ có được lập di chúc để lại thừa kế QSDĐ hay không?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 624 - Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Tài sản trong di chúc là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân để lại sau khi chết, được gọi chung là di sản. QSDĐ cũng là một loại di sản và được để thừa kế.

Theo thông tin ông cung cấp thì cha ông được ông nội của ông lập di chúc  bằng văn bản cho 5.000m2 đất vườn vào năm 2022. Tuy chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định hiện hành, nhưng phần đất này cha ông đã được thừa kế, sử dụng ổn định, không có tranh chấp và không trái với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bản di chúc của cha ông phải bảo đảm đủ điều kiện chung về một di chúc bằng văn bản hợp pháp theo quy định tại Điều 630-BLDS: Trong khi lập di chúc, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt và không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật…

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 167 - Luật Đất đai năm 2013: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ. 

Trường hợp của ông, tại thời điểm ông được cha lập di chúc để lại phần đất vườn 5.000m2  thì cha ông không có giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất này, nhưng có giấy tờ đất hợp pháp của ông nội của ông để lại cho cha ông, nên thuộc trường hợp “Đất do người đã mất để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ thì QSDĐ đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế”, theo quy định tại Điều 1, Mục II - Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc xác định QSDĐ là di sản.

Khi QSDĐ được xác định là di sản thì sẽ được chia di sản thừa kế dù đất chưa có giấy chứng nhận QSDĐ. Do vậy, căn cứ các quy định nêu trên, cha ông hoàn toàn có quyền lập di chúc để thừa kế phần đất vườn này cho ông và việc phân chia di sản thừa kế phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc. 

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông cần đến UBND xã (nơi có đất) để được hướng dẫn lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN