Tiêm chủng vắc-xin để bảo vệ cho cộng đồng

23/04/2021 - 09:57

BDK - “Nếu có điều kiện, có vắc-xin ngừa Covid-19, những người được tiêm cần tiêm đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng” - Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y tỉnh Huỳnh Văn Công chia sẻ về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Lực lượng quân đội tỉnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện 120 (Tiền Giang).

Lực lượng quân đội tỉnh tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện 120 (Tiền Giang). Ảnh: V. Sơn

Phản ứng phụ như các vắc-xin khác

Gần 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, sức khỏe của 118/118 lực lượng quân đội tỉnh được tiêm mũi 1 đã ổn định. Qua báo cáo theo dõi sức khỏe hàng ngày, đến nay, biểu hiện phổ biến nhất trên 90% trong số 118 người được tiêm là đau cơ, xương khớp. Phản ứng nhẹ nhất là đau nhẹ vết tiêm, 100% sưng chỗ tiêm. Trong đó, có 2 trường hợp sốt cao (390C) xảy ra khoảng 10 - 12 giờ sau tiêm. Theo Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y tỉnh Huỳnh Văn Công, những phản ứng nhẹ sau tiêm là dấu hiệu bình thường chứng tỏ cơ thể đang tạo sức đề kháng bảo vệ chống lại Covid-19.

Theo quy định, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Quân sự tỉnh, lực lượng đảm bảo khu cách ly của Trung đoàn 895, lực lượng quân y phải được tiêm chủng hết 100%. 8 giờ ngày 17-4-2021, các lực lương có mặt đầy đủ tại Bệnh viện 120 (Tiền Giang) bắt đầu tiêm mũi đầu tiên. Trước khi vào tiêm, mỗi người nhận thông tin khai báo y tế, khai báo thông tin trên phiếu sàng lọc. Sau đó, kiểm tra huyết áp và các bác sĩ tiến hành khám sàng lọc tổng quát, tiền sử bệnh. 100% lực lượng đảm bảo điều kiện sức khỏe để được tiêm chủng.

Chủ nhiệm Quân y kiêm Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y tỉnh Huỳnh Văn Công cho biết: “Quá trình tiêm chủng của Bệnh viện 120 rất chặt chẽ. Theo quy định, người được tiêm sẽ theo dõi tại khu vực tiêm 30 phút, nhưng để đảm bảo theo dõi sát và an toàn cho người tiêm, các lực lượng được lưu theo dõi 3 tiếng sau tiêm. Nhờ vậy, anh em an tâm về các dấu hiệu phản ứng sau tiêm”.

Trung úy Huỳnh Thị Thanh Trúc - Dược sĩ đơn vị Bệnh xá Quân y tỉnh cho biết: Sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cũng giống như việc tiêm vắc-xin ngừa các loại cúm A khác. Bản thân Trung úy Trúc sau tiêm khoảng 12 giờ, bị cay mắt, cơ thể nóng lên (khoảng 370C). Sau 1 đêm, tình trạng trên được cải thiện, cơ thể bình thường trở lại. “Tôi đã theo dõi các thông tin trên báo, đài về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nắm được các phản ứng sau tiêm để tự theo dõi diễn biến sức khỏe của mình sau tiêm. Sau khi được tiêm mũi 1, trở về đơn vị công tác, tôi cảm thấy an tâm hơn”, Trung úy Huỳnh Thị Thanh Trúc chia sẻ.

Sau 6 - 8 giờ được tiêm, tình trạng sức khỏe của hầu hết lực lượng tại Bệnh xá Quân y tỉnh ổn định, chưa có biểu hiện bất thường. Đến giờ thứ 9, chỗ tiêm có lăn tăn, cảm giác như có con gì đó cắn, sau đó sưng nhẹ và đau nhiều hơn, ê ẩm toàn thân, kèm sốt (37 - 390C tùy người). Trong quá trình sốt, các bác sĩ xử lý bằng cách cho uống Paracetamol. Sau 24 giờ, các triệu chứng trên biến mất.

Khuyến cáo tiếp tục tiêm vắc-xin

Chia sẻ tình hình sức khỏe khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin AstraZeneca, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh Võ Ngọc Thạnh cho hay: Mũi tiêm đầu tiên, phải mất 4 ngày mới bình phục sức khỏe. Khoảng 6 tiếng sau khi tiêm, người bị mệt, sốt 37,50C. Đến tiêm mũi 2 (ngày 20-4-2021) thì sức khỏe đã bình thường, không còn những biểu hiện, phản ứng sau tiêm. Theo kinh nghiệm của điều dưỡng Võ Ngọc Thạnh, sau khi tiêm chủng vắc-xin 2 giờ thì uống 1 viên Paracetamol, cách 6 tiếng uống viên tiếp theo (uống từ 3 - 4 liều là khỏe hẳn).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, sau 3 tuần tiêm mũi 1, nồng độ kháng thể đạt trên 70%, sau khi tiêm mũi 2 sẽ tăng lên từ trên 80 đến trên 90%. Sức đề kháng từ vắc-xin sẽ không có ngay lập tức mà sau khi tiêm chủng đầy đủ mũi 2. Do đó, sau khi được tiêm ngừa, mọi người vẫn phải thực hiện khuyến cáo “5K” để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

“Thông tin từ Bộ Y tế, tỷ lệ người gặp phản ứng sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ghi nhận trong toàn quốc là tương tự với các vắc-xin đang sử dụng. Không riêng vắc-xin AstraZeneca, hầu hết các loại vắc-xin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỷ lệ nhất định. Điều quan trọng là có theo dõi, có đánh giá. Hiện tại, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vắc-xin, cân nhắc lợi ích vắc-xin và nguy cơ dịch bệnh. Đến nay, chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc-xin AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu”.

(Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán)

Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích