
Tỉnh sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: PH. Hân
* Thưa bác sĩ, những loại vắc-xin phòng Covid-19 nào sẽ sử dụng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại tỉnh?
- Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh: Theo phê duyệt của Bộ Y tế tại Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 1-3-2022 và Quyết định số 796/QĐ-BYT ngày 31-3-2022, có 2 loại vắc-xin được tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm: vắc-xin Pfizer và vắc-xin Moderna. Trong đó, vắc-xin Pfizer sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, liều dùng 0,2ml/liều. Vắc-xin Moderna sử dụng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi, liều dùng 0,25ml/liều. Cả 2 loại vắc-xin này đều tiêm bắp. Lịch tiêm 2 mũi đều cách nhau 4 tuần và chỉ được sử dụng một loại vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng một đối tượng trẻ.
Vắc-xin Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khác với vắc-xin Pfizer người lớn. Để tránh nhầm lẫn với vắc-xin dùng cho người lớn, lọ vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam, hàm lượng là 10mcg bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc-xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên.
* Sau tiêm vắc-xin có thể gặp những phản ứng nào ở trẻ?
- Khi tiêm vắc-xin, trẻ có thể có những phản ứng sau khi tiêm cũng giống như các loại vắc-xin phòng Covid-19 tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn. Phản ứng rất thường gặp là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng thường gặp tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm.
Hiện nay, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi từ tháng 11-2021. Vào tháng 2-2022, nhiều quốc gia tại châu Á chấp thuận tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi như: Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia. Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 5 - 11 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%).
* Đối với trường hợp trẻ đã nhiễm Covid-19 có cần tiêm không hoặc phải trì hoãn mũi tiêm?
- Trẻ đã nhiễm Covid-19 vẫn cần tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh sau này. Đối với trẻ đã nhiễm Covid-19 thực hiện tiêm sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng nếu thỏa điều kiện tiêm chủng do Bộ Y tế hướng dẫn.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp đang có bệnh cấp tính, hoặc mạn tính tiến triển cần trì hoãn mũi tiêm. Trường hợp có bằng chứng mắc Covid-19 hoãn 3 tháng kể từ ngày khởi phát, có hội chứng viêm đa cơ quan hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn. Tất cả các trường hợp đều được bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm để quyết định đủ điều kiện tiêm hay hoãn tiêm. Trẻ thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm chủng là trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc-xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin phòng Covid-19, các chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.
* Bác sĩ có lưu ý gì với các bậc phụ huynh trong việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi?
- Các chuyên gia đều đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho nhóm trẻ 12 - 17 tuổi thời gian vừa qua, góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong do Covid-19. Trẻ được tiêm vắc-xin thì có khả năng bảo vệ tốt hơn khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, khi tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin, phụ huynh nên đưa trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt để chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, giảm tỷ lệ mắc, chuyển nặng và tránh tử vong khi mắc bệnh.
Khi cho trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh cần cho trẻ em ăn uống đầy đủ trước khi đến tiêm chủng, đến đúng thời gian và địa điểm tiêm chủng. Phụ huynh cần ký phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho học sinh trước thời điểm tổ chức tiêm chủng. Khi tham gia tiêm chủng, để cùng giám sát mũi tiêm của con em mình, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về vắc-xin như: loại vắc-xin được tiêm, liều tiêm, lịch tiêm, phối hợp chặt chẽ với sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình tiêm chủng để tránh sai sót trong tất cả các khâu.
Sau khi tiêm, phụ huynh cần theo dõi trẻ tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào bất thường cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Toàn tỉnh hiện có khoảng 132.151 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đang sinh sống trên địa bàn. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 125.104 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đến trường được cha mẹ đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục rà soát và lập danh sách trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, dự kiến tiêm theo từng khối, lớp, từng trường, từng địa bàn. Đối với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở cộng đồng, y tế địa phương tiến hành rà soát và lập danh sách. Tỉnh đảm bảo đủ nguồn nhân lực, vật lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tất cả nhân viên y tế đều được tham gia tập huấn chuyên môn qua hình thức trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức. Đồng thời, lực lượng giáo viên phối hợp với nhân viên ngành y tế trong công tác triển khai tiêm chủng. |
Phan Hân (thực hiện)