Tiếp tục bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

01/01/2022 - 06:15

BDK.VN - Ngày 31-12-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết Đề án Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Bàn phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Bàn phát biểu tại hội nghị.

Đề án số 780 về “Bảo vệ và phát huy bền vững giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017 - 2020” do UBND tỉnh ban hành ngày 3-7-2017 nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT ở tỉnh Bến Tre nói riêng và ở khu vực Nam Bộ nói chung, góp phần giữ vững danh hiệu đã được tổ chức UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Toàn tỉnh hiện có 204 đội, nhóm, câu lạc bộ ĐCTT với hơn 2,7 ngàn tài tử tham gia hoạt động thường xuyên. Trong đó, có 1 câu lạc bộ ĐCTT cấp tỉnh và 9 câu lạc bộ cấp huyện, thành phố duy trì tổ chức sinh hoạt. Ngành chức năng, các ban ngành tỉnh và các huyện, thành phố đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy ĐCTT; duy trì hoạt động ĐCTT tại các điểm du lịch; tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, giao lưu. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động hội thi đã chuyền đổi hình thức online phù hợp tình hình. Đến nay, tỉnh có 2 tài tử được vinh danh là “Nghệ nhân ưu tú”.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Văn Bàn nhận định, sau 4 năm thực hiện đề án, những nỗ lực của cơ quan chuyên môn cùng với sự đồng lòng của các nghệ nhân, tài tử và khán giả mộ điệu đã góp phần tích cực thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, công tác triển khai đề án có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành. Đặc biệt là sự quan tâm, hưởng ứng đóng góp tích cực của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, tài tử và khán giả mộ điệu. Hệ thống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở làm tốt công tác tham mưu, quản lý và tổ chức phong trào.

Hoạt động truyền nghề được thực hiện qua phương thức truyền ngón (truyền dạy trực tiếp), các lớp tập huấn, video trên mạng đã góp phần đưa loại hình này phát triển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua các liên hoan, hội thi, giao lưu đã kịp thời phát hiện những giọng ca hay, ngón đờn điêu luyện để bổ sung vào lực lượng nòng cốt cho phong trào ĐCTT tại địa phương. Hoạt động ĐCTT tại các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những sản phẩm phục vụ khách khi đến tham quan.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT sẽ được tiếp tục trong thời gian tới với nhiều nội dung được ngành chức năng và các ngành liên quan xác định. Trong đó, quan tâm công tác ươm mầm, phát hiện các nhân tố tài năng để tạo nguồn nhân lực chất lượng; nâng cao chất lượng hoạt động các đội nhóm ĐCTT cơ sở; hoạt động tuyên truyền bảo tồn và phát huy Nghệ thuật ĐCTT tại các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn…

Tin, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN