Ông Nguyễn Văn Hửng (Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Tôi và ông N. ở cùng xóm có mâu thuẫn lời qua tiếng lại. Trưa ngày 9-8-2018, ông N. trong tình trạng say rượu, đến nhà tôi gây chuyện, trên tay cầm một khúc gỗ vuông dài hơn 1m. Trong lúc cự cãi, bất ngờ ông N. chạy tới bổ cây vào đầu tôi. Tôi né được, chụp lấy cây và dùng chân đạp mạnh hất ông N. ra làm ông bị té, đầu chạm nền gạch chảy máu, bất tỉnh. Qua giám định tỷ lệ thương tích của ông N. là 36%, còn tôi chỉ bị xây xát nhẹ.
Xin hỏi: Sự việc xảy ra như trên, tôi có bị xử lý hình sự không?
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Như ông trình bày, ông N. đã có hành vi trái pháp luật, đến nhà gây chuyện và đánh ông bất ngờ. Việc ông chống trả lại sự tấn công của ông N. ngay lúc đó được xem là hành vi phòng vệ chính đáng theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Theo điều luật, phòng vệ chính đáng là quyền của người bị xâm hại, được pháp luật công nhận, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật về phạm vi phòng vệ. Sự chủ động phòng vệ phải trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 BLHS: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật này”.
Do vậy, đối với người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 136 BLHS “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.
Trong vụ việc của ông, trên cơ sở kết quả giám định, tỷ lệ thương tích của ông N. là 36%, cho thấy mức độ phòng vệ rõ ràng là quá mức cần thiết, đã xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của ông N., không tương quan về sức mạnh giữa bên phòng vệ và người xâm hại và tính chất nguy hiểm đối với hành vi xâm hại của ông N.
Hành vi chống trả lại của ông là trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nên tùy vào tính chất, mức độ, có thể ông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều luật nêu trên.
Tuy nhiên, ông cũng có thể thỏa thuận về các khoản bồi thường, bù đắp chi phí điều trị thương tích cho ông N. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
H.Đức (thực hiện)