Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2-2023

12/09/2023 - 10:15

BDK - Từ ngày 15-9 đến 15-10-2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đồng loạt Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2-2023 trên địa bàn toàn tỉnh. Tần suất tiêu độc 2 tuần/lần, thực hiện liên tục 2 lần trong đợt.

Đối tượng tiêu độc: Các trang trại, nông hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Chợ, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng.

Ngân sách chỉ hỗ trợ hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cho khu vực chăn nuôi nông hộ (có tổng khối lượng vật nuôi dưới 10 đơn vị vật nuôi, tương đương dưới 5 ngàn kg). Những cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại và các đối tượng còn lại tự lo vật tư, kinh phí và tổ chức tiêu độc dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và thú y cơ sở. Lưu ý, trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa,...).

Nguồn hóa chất dự trữ phòng, chống dịch của tỉnh. Loại hóa chất sử dụng: AIODCID. Định mức hóa chất sử dụng: Chuồng trại nuôi gia súc 5ml/con/lần phun. Chuồng trại nuôi gia cầm 5ml/10 con/lần phun. Chuồng trại nuôi chim cút 5ml/ 100 con/lần phun. Cách pha theo hướng dẫn nhà sản xuất được ghi trên nhãn chai.

Đối với chăn nuôi nông hộ ngân sách hỗ trợ hóa chất, chủ nuôi chi trả tiền công trực tiếp cho tổ phun xịt. Các đối tượng còn lại tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu, chính quyền địa phương cấp xã chỉ đạo các tổ tiêu độc thực hiện đúng đối tượng quy định; đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi được hỗ trợ; đảm bảo môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các nông hộ được hỗ trợ hóa chất tiêu độc theo quy định. Các xã, phường, thị trấn tổ chức thu hồi tất cả vỏ chai hóa chất đã sử dụng trong đợt 2-2023 và thực hiện tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân viên thú y cấp xã (lập biên bản tiêu hủy).

Tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi; ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN