Triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

22/04/2022 - 05:56

BDK - Sau khi thống nhất giữa ngành y tế, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đợt tiêm chủng đầu tiên của chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ triển khai ngày 27-4-2022 (học sinh lớp 5) và 29-4-2022 (học sinh lớp 6). Sau đợt tiêm đầu tiên, sẽ hạ dần độ tuổi theo số liều vắc-xin được phân bổ.

Ngày 27-4-2022, tỉnh triển khai đợt tiêm vắc-xin đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ngày 27-4-2022, tỉnh triển khai đợt tiêm vắc-xin đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ý nghĩa quan trọng

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 24.500 liều vắc-xin Moderna cho Bến Tre. Số vắc-xin phân bổ đã nhập về kho CDC tỉnh. Đây là loại vắc-xin sẽ sử dụng triển khai trong đợt tiêm đầu tiên của chiến dịch. Đợt tiêm này sẽ tập trung tiêm cho 2 nhóm đối tượng là trẻ không nhiễm và nhiễm Covid-19 trên 3 tháng. Qua rà soát và thống kê số trẻ nhiễm Covid-19 dưới 3 tháng và trẻ không nhiễm, trẻ đã tiêm, dự kiến có khoảng 10 ngàn liều vắc-xin Moderna tiêm đủ cho học sinh ở 9 huyện, thành phố.

Cử nhân Võ Thị Thu Hiền - Cán bộ y tế Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh cho biết: Trong đợt đầu tiên, tỉnh sẽ triển khai cho học sinh lớp 6 và lớp 5. Do đó, sử dụng vắc-xin Moderna trong đợt đầu nhẹ nhàng trong khám sàng lọc. Tuy nhiên, về lâu dài, triển khai trọn chiến dịch tiêm chủng trong năm 2022 cần lưu ý ngưỡng tuổi trẻ tiêm loại vắc-xin này. Vắc-xin Moderna từ 6 đến dưới 12 tuổi cùng loại với vắc-xin sử dụng cho người lớn. Tuy nhiên, liều sử dụng cho trẻ em (dưới 12 tuổi) chỉ bằng ½ liều cơ bản của người lớn (0,25ml). Trẻ đủ 12 tuổi trở lên sẽ được tiêm liều như người lớn (0,5ml).

“Cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ khám, phân loại, chỉ định tiêm chủng phải đặc biệt lưu ý liều vắc-xin để dùng cho trẻ, nhằm đảm bảo kháng thể cho trẻ sau khi tiêm chủng. Nhiệt độ bảo quản vắc-xin tuyến cơ sở ở 2 - 80C, thời gian rã đông của vắc-xin có hạn. Do đó, khi rã đông rồi không được cất đông và rã đông lại dù vắc-xin còn hạn sử dụng. Vắc-xin Moderna là vắc-xin dạng dung dịch, khi sử dụng không cần phải pha. Khi sử dụng chỉ cần kiểm tra cảm quan còn nguyên nhãn lọ, kiểm tra vắc-xin đã rã đông hoàn toàn hay chưa. Để đảm bảo không có sai sót, cán bộ thực hiện tiêm chủng phải kiểm tra vắc-xin hoàn toàn rã đông trước khi sử dụng”, bà Võ Thị Thu Hiền lưu ý.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh đề nghị: Để tránh sai sót trong tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng đặc biệt lưu ý mỗi bàn tiêm phải có cái bảng ghi rõ loại vắc-xin, liều vắc-xin và câu “không lắc vắc-xin”, chuẩn bị sẵn tại bàn tiêm thuốc Adrenalin - thuốc thiết yếu cứu sống bệnh nhân trong trường hợp sốc phản vệ. Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với Phòng GD&ĐT đẩy mạnh tư vấn và truyền thông cho phụ huynh học sinh những thông tin về vắc-xin và những khác biệt về liều dùng, lịch tiêm và mũi nhắc phải cùng loại vắc-xin. Từ đó, phụ huynh cùng giám sát, nhắc nhở, nhằm đạt mục tiêu an toàn cao nhất trong quá trình tiêm chủng cho trẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Oanh, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ, giảm nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19; giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có bệnh nền và nhóm nguy cơ cao. Vắc-xin giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại vi-rút nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Đây là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe.

Sàng lọc tiêm chủng

Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Để lựa chọn nhiều nhất các trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và đảm bảo tiêm chủng an toàn, khâu khám sàng lọc rất quan trọng. Có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh. Cụ thể, tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi, có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như: đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính. Với những trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này. Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, hiện nay, MIS-C được phát hiện nhiều ở trẻ em và tiến triển từ tuần thứ hai đến thứ sáu sau khi bị nhiễm Covid-19. Chỉ có cán bộ y tế mới nhận ra hội chứng viêm đa cơ quan. Tuy nhiên, có 3 triệu chứng các nhà chuyên môn lưu ý phụ huynh: trẻ sốt, viêm kết mạc, mẩn đỏ ngoài da. Trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng cần chuyển đến cơ sở y tế tuyến huyện.

Chú ý theo dõi sau tiêm

Cũng như tiêm vắc-xin cho người lớn, sau tiêm sẽ có bộ phận theo dõi sau tiêm. Bộ phận này phải quan sát để kịp thời phát hiện và xử lý tốt các phản ứng sau tiêm. Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Trần Hưng Nam đề nghị: Các điểm tiêm phải có kế hoạch xử lý tình huống khi có phản ứng sau tiêm. Cụ thể, phải bố trí xe cấp cứu trực 24/24, bắt buộc phải có số điện thoại của xe cứu thương, số điện thoại bác sĩ cấp cứu để ngay bàn tiêm và phòng theo dõi sau tiêm để liên hệ hội chẩn cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, trang bị hộp thuốc chống sốc, nếu có điều kiện trang bị thêm bình oxy di động. Đợt tiêm chủng vắc-xin đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm tại trường. Một số trường có trang bị bình oxy, trường hợp không có bình oxy, trạm y tế trên địa bàn phải hỗ trợ bình oxy đã được trang bị phòng chống dịch trong giai đoạn trước.

Theo bác sĩ Trần Hưng Nam, các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 đã được báo cáo, gồm: phản ứng tại chỗ, phản ứng phản vệ. Đối với trẻ em, quá trình theo dõi sau tiêm nhất thiết phải có nhân viên y tế và phụ huynh để hỗ trợ theo dõi các trẻ. Nội dung theo dõi về tình trạng phát ban ở da, các triệu chứng về thần kinh (kích thích, mệt lả), các biểu hiện tình trạng hô hấp (khó thở, tím tái…), buồn nôn, đau bụng hoặc vã mồ hôi. Phụ huynh theo dõi và lưu ý các phản ứng này vì đây là những dấu hiệu nguy cơ trẻ sẽ bị sốc phản vệ.

Quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là quy trình một chiều, giữa bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ y tế theo dõi sau tiêm ở 3 khu vực khác nhau. Do đó, cán bộ theo dõi sau tiêm nếu ghi nhận biểu hiện nghi ngờ sốc phản vệ phải xử lý ngay, vì sốc sẽ chuyển mức độ sốc rất nhanh, cần nhanh chóng xử lý. Nếu ghi nhận phản vệ phải ngừng ngay buổi tiêm để tập trung sơ cấp cứu cho trẻ, gọi xe cứu thương để chuyển bé đến cơ sở y tế theo dõi điều trị.

“Sau tiêm chủng, phụ huynh không nên để trẻ ở nhà một mình mà phải có người theo dõi, không cho trẻ vận động mạnh trong 3 ngày đầu. Trong trường hợp ghi nhận biểu hiện kích thích, vật vã, lừ đừ, đau ngực, mệt lả, khó thở, sốt cao khó hạ hoặc kéo dài trên 24 giờ; vân tím trên da, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ phải được đưa ngay đến cơ sở y tế”, bác sĩ Trần Hưng Nam nhấn mạnh.

“Các trường sẽ chủ động, linh hoạt thay đổi hoặc hoãn thời gian các lịch công tác tại đơn vị. Để đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, an toàn cho chiến dịch, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương để quản lý trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Lãnh đạo các trường phải phân công, phối hợp công tác quản lý, từ ban lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm đến y tế các nhà trường thực hiện tư vấn cha mẹ học sinh để động viên đưa trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ra điểm tiêm. Đồng thời, quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng theo dõi sau tiêm; hỗ trợ lực lượng y tế khâu chuẩn bị, chăm sóc y tế tại trường và một số khâu trong công tác tiêm chủng tại điểm tiêm”.

 (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Luyến)

Bài, ảnh: Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN