Trợ giúp pháp lý là cung cấp dịch vụ pháp lý (tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải…) miễn phí của các tổ chức thực hiện cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật nhằm giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Cùng với các đối tượng được trợ giúp như quy định, phụ nữ luôn là mối quan tâm trong chính sách trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh trong thời gian qua. Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ trước đây chủ yếu là hỗ trợ việc tư vấn, soạn thảo đơn từ… Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời, việc thực hiện lồng ghép giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã được tiến hành đồng bộ. Bình đẳng giới trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong đó trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình trở thành hoạt động thường xuyên.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ trọng án liên quan đến bạo lực gia đình. Có thể đơn cử một vài trường hợp: Chị B bị chồng dùng xà-ben đánh chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật 95%. Còn chị P bị chồng là anh Y đánh đập dã man vì lý do tranh chấp đất với gia đình chồng. Bị đánh vào đầu phải nằm viện, chị P nhờ chính quyền xã can thiệp. Anh Y không sửa chữa mà còn đánh đập dã man hơn. Có lần đánh trúng cả đứa con mà chị P đang cho bú, làm bé phải nhập viện điều trị. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã cử chuyên viên tư vấn và luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị P tại phiên tòa xử ly hôn. Nhưng bạo lực gia đình đâu phải chỉ giới hạn ở những vùng nông thôn, ở những nông dân ít học, thiếu hiểu biết pháp luật. Chị L đã phải hơn 5 năm chịu sự bạo hành của người chồng ngoại tình. Đánh đập, chửi bới, hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác nhưng chị L vẫn kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì con và vì sợ chồng mất việc, mất chức. Chị cũng đã đến Trung tâm nhưng cuối cùng rút đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý…
Qua rất nhiều vụ việc cụ thể được tư vấn tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý cho thấy tình trạng bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức mà trong đó đối tượng bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ. Nguyên nhân căn bản nhất chính là sự bất bình đẳng về quyền lực trong gia đình, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn; sự thiếu hiểu biết về pháp luật; các thành viên thiếu kỹ năng ứng xử, cách giải quyết phù hợp khi trong gia đình có mâu thuẫn. Ngoài ra, tình trạng cờ bạc, rượu chè, cuộc sống khó khăn, hôn nhân không tình yêu, ngoại tình… cũng là những yếu tố dẫn đến bạo lực gia đình.
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn còn cho rằng bạo lực gia đình là chuyện của nội bộ gia đình và chưa nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hầu hết phụ nữ bị bạo hành là những người cam chịu, tự ti, thiếu hiểu biết về pháp luật và ít quyền lực trong gia đình. Vì thế rất khó để chị em nói lên vấn đề của mình, chia sẻ với người khác và có những trường hợp nạn nhân từ chối yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Ngoài tư vấn trực tiếp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh còn thường xuyên tổ chức các cuộc tuyên truyền những quy định của pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình sâu rộng trong dân. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan phối hợp, qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động, truyền thông về trợ giúp pháp lý… Hầu hết trợ giúp viên, chuyên viên của Trung tâm đều nhận thức được giá trị của bình đẳng giới, việc phòng chống bạo lực gia đình cũng như trách nhiệm phải triển khai đến cộng đồng những luật liên quan đến người dân. Được sự hỗ trợ của Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam giai đoạn 2005-2009”, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức trợ giúp pháp lý cho đối tượng là phụ nữ bị bạo hành, bằng các hình thức như: khảo sát nhu cầu tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ trong các vụ án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình.
Để tiếp tục hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực gia đình, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đề ra biện pháp tiếp tục củng cố và duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Bởi đây là hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, để người thực hiện, người được trợ giúp pháp lý và tất cả những ai có nhu cầu ở địa phương đều cùng tham gia sinh hoạt, trao đổi về những vướng mắc pháp luật. Qua đó, người dân được hiểu biết những quy định của pháp luật, tư vấn pháp luật để cùng hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho chính mình, nhất là đối với phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành.
CÁC HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH BAO GỒM:
1. Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
2. Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
3. Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
4. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
5. Cưỡng ép quan hệ tình dục;
6. Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
7. Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
8. Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
9. Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
(Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình) |