Ngày 19-3-2010, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII đơn vị tỉnh Bến Tre và đại diện các sở, ngành, đoàn thể có liên quan về hai dự án luật: Luật Người khuyết tật và Luật Nuôi con nuôi .
Các đại biểu tham dự hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp về những vấn đề trọng tâm của hai dự án luật.
Đối với dự án Luật Người Khuyết tật, đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất ở các nội dung như: tên gọi; đối tượng áp dụng (Điều 1); phân dạng, phân hạng khuyết tật, các phương pháp xác định hạng tật (Điều 3); những hành vi nghiêm cấm (điều 13); quy định sử dụng lao động là người khuyết tật (Điều 26); bảo trợ xã hội (Điều 34-38); cấp giấy chứng nhận khuyết tật (Điều 40)... Hầu hết các đại biểu đều băn khoăn về phương pháp xác định hạng tật: “phương pháp thực chứng” (PPTC) là gì, chủ thể thực hiện PPTC, khi nào dùng PPTC, khi nào phải thông qua “giám định y khoa”. Bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Có ý kiến cho rằng phải có kết quả giám định y khoa rồi mới được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Ngoài ra, nhiều đại biểu tham dự còn nhận xét: Trong nội dung luật, công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc người khuyết tật chưa thể hiện rõ, đại biểu lo ngại về tính khả thi, ngân sách để thực hiện Luật Người khuyết tật…
Đối với Dự án Luật Nuôi con nuôi, đại biểu thảo luận xung quanh các vấn đề: giải thích từ ngữ “gia đình gốc”, “nuôi con nuôi thực tế”; điều kiện đối với người nhận con nuôi (NNCN) (Điều 12); hệ quả của việc nuôi con nuôi (Điều 22); căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi (Điều 23); điều khoản chuyển tiếp (Điều 50)… Có hai luồng ý kiến khác nhau của các đại biểu về khoản 4 điều 22: đồng tình và không đồng tình việc cha mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ gì đối với con đã cho làm con nuôi. Một bên cho rằng trái với truyền thống đạo đức của người Việt Nam, bên kia thì quan niệm như vậy đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của NNCN. Độ tuổi của NNCN cũng được nhiều đại biểu quan tâm: có ý kiến rút ngắn khoảng cách để NNCN còn đủ sức khỏe đảm nhận việc nuôi dưỡng con nuôi. Ông Ngũ Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, trong luật này nên quy định về thời gian tiếp cận để NNCN có điều kiện làm quen, tạo tình cảm với trẻ trước khi nhận về nuôi.
Theo Nghị quyết số 31/NQ-QH12 về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2010, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII sẽ trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật. Được biết, trong hai ngày 24 và 26-3, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp 4 dự án luật gồm: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.