Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích

05/04/2020 - 18:59

BDK - Ông Nguyễn Văn Dàn (Gò Công Đông, Tiền Giang) có nhu cầu tư vấn: Tôi tranh chấp ranh đất với ông A là hàng xóm. Tuần rồi, trên đường đi tôi có cự cãi với ông A. Tôi bị ông A cùng con trai dùng cây tầm vông đánh vào đầu và mình tôi. Tôi phải tới bệnh viện băng bó, chụp hình với số tiền chi phí hơn 3,5 triệu đồng. Kết quả giám định thương tích là 10%. Tôi có thể yêu cầu xử lý hình sự ông A được không?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Đánh người gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ gây thương tích, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường dân sự hay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức độ tương ứng.

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cho cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn…

Về cơ bản là người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác từ 11% trở lên thì sẽ bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định ở một số trường hợp, dù tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng vẫn sẽ bị khởi tố hình sự tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đối với người bị hại và với xã hội nói chung.

Theo ông trình bày, ông đã bị ông A và con trai dùng cây tầm vông đánh ông gây thương tích cơ thể tỷ lệ 10%. Dù tỷ lệ tổn thương dưới 11%, nhưng trong vụ việc này có dấu hiệu là nhiều người đánh một người, dùng vật cứng, chắc (hung khí nguy hiểm) cố tình tấn công vào bộ phận trọng yếu là vùng đầu, nên có thể sẽ bị khởi tố hình sự.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, ông có thể làm đơn yêu cầu cơ quan Công an có thẩm quyền khởi tố hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích của ông A và con trai của ông A.

Nếu hành vi đánh người gây thương tích của ông A và con trai ông A thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông A và con trai ông A.

Nếu chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, thì ông A và con trai sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...: “Phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau”. 

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự (hoặc bị xử lý hành chính), ông A và con trai còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông, do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, gồm các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm…

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN