BDK - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đi nhiều và gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, cán bộ, người dân. Những cảm xúc chia sẻ hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cảm nhận về một vết thương chiến tranh đã lành trên quê hương, trên thân thể, để cùng nhau vững tin tiến bước vào một tương lai sáng đẹp hơn.
Đoàn công tác Lữ đoàn 125 về thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Bến Thạnh Phong - di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại tỉnh. Ảnh: Thành Lập
Hàn gắn vết thương
Ông Lê Trung Hạnh (còn gọi là Hai Mọn), 85 tuổi, ngụ ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong - nguyên Phó ban Tuyên huấn xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú nhớ lại, ngày 30-4-1975, ông được trên giao tiếp quản xã Thạnh Phong. Số lượng bom đạn mà quân đội Mỹ dội trên đất này là rất lớn, khiến người dân Thạnh Phong bỏ xứ đi nhiều. Vì cứ hễ thấy có nóc nhà nào thì chúng dội bom cho tan tác hết. Địch biết đây là vùng cứ của ta, nên chúng quyết quét sạch. Số dân bám đất phải sống toàn bộ dưới hầm, nấu ăn, sinh hoạt cũng dưới hầm. Vì thế, ngày tiếp quản xã Thạnh Phong (gồm xã Thạnh Phong và Thạnh Hải ngày nay), toàn xã chỉ còn khoảng 4 ngàn người.
Hòa bình lập lại, mọi thứ sau chiến tranh đều kiệt quệ. Năm 1984, xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) tách thành 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Thạnh Hải ngày nay là xã giáp biển với chiều dài bờ biển 18,5km. Ở xã Thạnh Hải có địa danh Hồ Cỏ, nơi mà vào ngày 25-2-1969 từng xảy ra vụ thảm sát 21 dân thường. Tất cả đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong đó, có 2 phụ nữ đang mang thai. Ở Hồ Cỏ còn có cầu 72 nhịp do bộ đội bắc bằng cây mắm để ra cứ. Đây là đường rút của quân ta rút sâu vào rừng. Cầu 72 nhịp bắc qua những hồ lớn lầy lội, đầy bùn. Trên là rừng che, dưới là cầu nên địch không phát hiện. Hồ Cỏ là ấp Thạnh Hưng B, xã Thạnh Hải ngày nay.
Trở lại xã Thạnh Hải hôm nay thấy rõ bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc khi tháng 9-2024, xã được UBND huyện Thạnh Phú công bố đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng NTM tại xã Thạnh Hải là 176 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Sau 50 năm giải phóng, hệ thống giao thông của xã đã có nhiều đổi thay. Hiện nay, đường nông thôn ở xã có 19,6km đường cấp A, 9,8km tuyến đường cấp B và hơn 10km tuyến đường ngõ xóm. Đời sống người dân ở đây ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 62 triệu đồng/người/năm”.
Phố thị đã nhộn nhịp
TP. Bến Tre đang sôi nổi với nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Hòa trong niềm vui này, nhiều người lớn tuổi sống tại TP. Bến Tre đã chia sẻ cảm xúc với những ký ức của thị xã Bến Tre ngày ấy và TP. Bến Tre đang phát triển như hôm nay.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1934) - nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội cho hay: “Bến Tre giờ đổi thay nhiều lắm. Riêng trên địa bàn TP. Bến Tre, nhà cửa, công trình kiến trúc được xây dựng khang trang nằm san sát nhau... Cụ thể như trước đây, khu vực hồ Trúc Giang tuy đẹp nhưng chỉ bó hẹp trong khoảng không gian nhất định, giờ thì được cải tạo xây mới cho phù hợp với quy hoạch phát triển. Nhiều công trình giao thông như hệ thống cầu, đường và phương tiện vận tải đều đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cuộc sống của người dân có nhiều tiến bộ trong sinh hoạt, lối sống, chi tiêu mua sắm”.
Giáo sư - Hòa viện phó Hội Thánh Cao đài Ban chỉnh đạo Bến Tre Thái Thành Thanh (sinh năm 1950) chia sẻ: “Trải qua 50 năm, từ thành thị cho đến thôn quê của tỉnh đều có nhiều thay đổi về phát triển kinh tế, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Hội thánh Cao đài Ban chỉnh đạo Bến Tre luôn giáo dục cho tín đồ thực hiện nghiêm tôn chỉ của Hội thánh, chấp hành đúng quy định pháp luật của Nhà nước”.
Thời gian qua, Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre đã thực hiện tốt các hoạt động đạo sự, các ngày lễ trọng truyền thống của Hội thánh được tổ chức trang trọng, hoạt động tôn giáo của Hội thánh và họ đạo từng bước đi vào nề nếp, ổn định. Hội thánh phối hợp cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội thánh có 100% hộ gia đình đạo hữu được công nhận gia đình văn hóa; 1.348 đạo hữu đắc cử đại biểu HĐND, thành viên Mặt trận các cấp; 4.763 đạo hữu tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương...
Theo Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Châu Văn Sơn, bước đầu xây dựng, thị xã Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm và thiếu nguồn đầu tư. Sau thời kỳ đổi mới từ cơ chế bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuẩn hóa, được tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn, thị xã Bến Tre nay đã thay đổi toàn diện về kết cấu hạ tầng cơ sở và là một thành phố đang trên đà tiếp tục phát triển.
Góp sức xây dựng quê hương
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bến Tre (1-5-1975 - 1-5-2025), tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT), thương binh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi xúc động khi gặp ông Nguyễn Ngọc Thưởng - thương binh 1/4, ngụ xã Giao Long, huyện Châu Thành. Đôi chân của ông đã để lại trên chiến trường Campuchia năm 1985. Trong căn nhà ấm cúng bên vợ, con và cô cháu gái nhỏ dễ thương, thương binh Nguyễn Ngọc Thưởng xúc động nói: “Tôi hôm nay quá hạnh phúc. Dù mất đôi chân, tôi vẫn còn sống và được trở về với gia đình. Không bao giờ tôi có suy nghĩ trông mong, chờ đợi, ỷ lại vào Nhà nước mà muốn tự sức vươn lên. Căn nhà này do tôi tự xây lên, Đảng và Nhà nước nhớ tới thăm tôi, tôi rất vui mừng...”.
Trải qua chặng đường 50 năm “gian lao mà anh dũng”, hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc, mảnh đất Bến Tre anh hùng, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh đã từng bước hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ. Anh Bùi Hữu Nghĩa, TP. Bến Tre chia sẻ: Là thế hệ được sinh ra khi đất nước đã được hòa bình, độc lập, tôi cảm thấy thật tự hào khi hòa cùng nhịp đập của mỗi người Việt Nam hướng về sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để thế hệ trẻ chúng tôi tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các thế hệ cha anh đi trước, những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do của nhân dân. Trong thời gian tới, tôi luôn ý thức sâu sắc rằng trách nhiệm của mình không chỉ là gìn giữ ký ức lịch sử mà còn là tiếp bước cha anh, đóng góp trí tuệ, sức lực bằng những việc làm thiết thực, gắn với chuyên môn nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần chung tay cùng người dân xứ Dừa xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.