|
Trích lục bản đồ năm 2004, tên chủ sử dụng đất là ông Trương Văn Lớn. Ảnh: HĐ |
Ông Trương Văn Lớn (ông L1) cùng em ruột là Nguyễn Văn Lớn (ông L2) tranh chấp 700m2 đất của cha mẹ ruột là ông Nguyễn Văn Sáng, bà Trương Thị Cát để lại. Lúc còn nhỏ, ông L1 được cha mẹ ruột cho ông Trương Văn Như (anh bà Cát, do ông Như không có con) làm con nuôi nên ông L1 mang họ Trương. Năm 1997, ông L1 tranh chấp với ông Trần Tấn Đạt (ông Đạt cất nhà lấn qua đất ông 72m2).
Năm 2006 khi ông L1 trích lục hồ sơ bổ sung cho vụ kiện với ông Đạt thì phát hiện phần đất mà mình đang quản lý sử dụng (700m2) đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ) cho ông L2, có tổng diện tích 3.318m2 thuộc thửa 289, tờ bản đồ số 4, tọa lạc tại ấp 4, xã Tân Thủy (Ba Tri). Ông L1 khởi kiện ông L2 đòi quyền sử dụng 653m2 đất (theo đo đạc thực tế), trong đó bao gồm 72m2 đất ông Đạt cất nhà lấn sang. Hòa giải tại xã Tân Thủy không thành, vụ việc được TAND huyện Ba Tri thụ lý. Trong vụ án này, ông Trần Tấn Đạt là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 74/2010/DS-ST ngày 25-8-2010, TAND huyện Ba Tri đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông L1, công nhận cho ông phần đất đang sử dụng có diện tích 581m2, thuộc một phần thửa số 289, tờ bản đồ số 4 (ấp 4, xã Tân Thủy) và kiến nghị UBND huyện Ba Tri điều chỉnh GCN.QSDĐ từ ông L2 sang cho ông L1 diện tích đất này. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của ông L1 không yêu cầu ông Đạt di dời nhà trả lại 72m2 đất.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cả hai ông L1, L2 cùng kháng cáo.
Ngày 22-11-2010, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án. Tại tòa, ông L1 giữ quan điểm kháng cáo yêu cầu ông Đạt trả lại 72m2 đất; ông L2 không đồng ý giao 581m2 đất cho ông L1. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy rằng: Ông L1 khởi kiện đòi 700m2 đất của cha mẹ cho vào năm 1980, hiện đất này ông L1 đang quản lý, sử dụng nhưng ông L2 được cấp quyền SDĐ. Ông L1 khởi kiện, yêu cầu ông L2 phải tách “sổ đỏ” và chuyển quyền sử dụng 700m2 đất tại thửa 289, tờ bản đồ số 4 cho ông đứng tên QSDĐ là không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp có thẩm quyền. Tòa đã tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện, hoàn trả tạm ứng án phí khởi kiện và tạm ứng án phí phúc thẩm. Ông L1 gửi đơn đến UBND xã Tân Thủy yêu cầu được giải quyết việc tách sổ để được đứng tên GCN.QSDĐ 700m2. UBND xã Tân Thủy chậm giải quyết (hơn 3 tháng) nên ông L1 khiếu nại.
Cán bộ địa chính xã Tân Thủy Tô Văn Minh cho biết: Theo hồ sơ đăng ký QSDĐ năm 1995 tại xã, ông L1 không đăng ký QSDĐ phần đất tranh chấp này mà chỉ có ông L2 đăng ký và được cấp GCN.QSDĐ. Ông L1 cho biết, trong thời gian chờ đợi TAND huyện Ba Tri giải quyết vụ án, ông có đến Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để trích lục hồ sơ cấp GCN.QSDĐ để cung cấp cho tòa án, ông phát hiện có hai đơn đăng ký QSDĐ: một đơn của ông L1 đề ngày 3-4-1995 (nhưng không phải do ông viết); một đơn của ông L2 đề ngày 11-3-1995 (ông L2 không biết chữ).
Do cha mẹ của hai ông L1 và L2 không để lại di chúc, ông L1 có thể khởi kiện yêu cầu chia thừa kế (nếu thời hiệu khởi kiện còn). Tuy nhiên, theo trích lục bản đồ do Phòng Tài nguyên - Môi trường Ba Tri lập ngày 10-12-2004, đã thể hiện tên của ông L1 đứng tên chủ sử dụng 3.318m2 đất, thửa số 289, tờ bản đồ số 4, (xã Tân Thủy, Ba Tri). Năm 1995, nếu ông L1 không làm thủ tục đăng ký QSDĐ thì tại sao lại có hồ sơ trích lục tại Phòng Tài nguyên - Môi trường Ba Tri. Vì sao trên cùng một thửa đất lại có hai người cùng đứng tên chủ sở hữu. Đây là sai sót do nhầm lẫn hay có điều gì uẩn khúc? Mong rằng ngành chức năng cần làm sáng tỏ vấn đề để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.