Xây dựng ấp nông thôn mới tại các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

16/08/2023 - 06:52

BDK - Hơn 10 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Ðạt kết quả trên đã phản ánh rõ sự chênh lệch về tỷ lệ địa phương đạt chuẩn NTM cũng như số tiêu chí đạt chuẩn. Những xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có những bước tiến chậm hơn so với các xã còn lại. Những bất lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng… là yếu tố chính cản trở các xã ở khu vực này hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Thi công tuyến đê bao chống ngập kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, kinh phí xây dựng 286 tỷ đồng.

Thi công tuyến đê bao chống ngập kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, kinh phí xây dựng 286 tỷ đồng.

Ðối với các xã khó khăn, việc phấn đấu đạt chuẩn NTM là động lực hướng tới trong dài hạn, chứ không phải là áp lực cần đạt được trong thời gian ngắn. Vì thế, hướng tiếp cận hiện nay đang được triển khai trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đối với khu vực khó khăn là xây dựng NTM từ cộng đồng ấp.

Phần lớn các xã khó khăn có địa hình phức tạp và chia cắt, khoảng cách kết nối giữa xã với trung tâm huyện và giữa các ấp rất xa, nhiều nơi cách đến hàng chục kí-lô-mét. Khoảng cách xa, hệ thống giao thông chưa đảm bảo, vật liệu xây dựng tại chỗ thiếu, dẫn đến suất đầu tư cho một công trình hạ tầng ở những xã này rất lớn. Theo kinh nghiệm và kết quả triển khai trong thời gian qua cho thấy, để đầu tư cho những xã này đạt được những tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thì cần một nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước, lên tới hàng trăm tỷ đồng/xã và điều này rất khó khả thi, do nguồn ngân sách có hạn.

Bên cạnh đó, những tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường... cũng khó đạt được đối với những xã này. Nhìn chung, do nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi, nên việc hoàn thành các tiêu chí NTM ở những xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là rất khó. Vì thế, vấn đề cần quan tâm hơn là, tăng cường lồng ghép và tập trung nguồn lực vào những nội dung tác động, cải thiện trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo thu nhập và sinh kế ổn định, bền vững cho người dân. Ðiều này cần thực hiện ở phạm vi ấp nhằm tăng cường nhận thức, thay đổi tư duy phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, thúc đẩy tinh thần hợp tác, sự tham gia của cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau và nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực cho cán bộ cơ sở trong công tác tổ chức thực hiện.

Do các xã khó khăn thường có địa bàn rộng, dân cư phân tán, nên sự gắn kết và đồng thuận của cộng đồng dân cư thường nằm trong phạm vi ấp bởi nhiều yếu tố tương đồng, như: Có nhiều điểm chung về văn hóa, phong tục, tập quán, sử dụng chung tài nguyên, hạ tầng, có các hoạt động sản xuất giống nhau...; có mối quan hệ bền chặt qua nhiều thế hệ, có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cùng một môi trường sinh sống; có tri thức bản địa, kinh nghiệm, hiểu biết về đặc điểm đất đai, khí hậu, thiên tai, mùa vụ, văn hóa, con người ở địa phương nơi họ chung sống.

Do đó, phát huy tính chất cộng đồng theo từng ấp ở khu vực khó khăn, chính là phát huy những nét đặc trưng bản địa, những giá trị văn hóa truyền thống, sức mạnh cộng đồng. Ðó cũng chính là giá trị của NTM ở những địa bàn đặc thù mà không thể đo đếm bằng tiêu chí NTM cấp xã. Những kết quả đạt được trong từng ấp sẽ từng bước góp phần giúp cấp xã đạt được kết quả tốt hơn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Tỉnh đã đưa ra mục tiêu phấn đấu 60% số ấp (tương đương 71/118 ấp) thuộc các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí ấp NTM của tỉnh (theo Kế hoạch số 5944/KH-UBND ngày 20-9-2022 của UBND tỉnh). Ðây là giải pháp kịp thời và phù hợp để định hướng cho các xã khó khăn tập trung xây dựng NTM từ cộng đồng ấp, đi vào thực chất hơn thay cho việc chạy theo tiêu chí xã NTM.

Bài, ảnh: Thanh Dung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN