Xây dựng mô hình 'Trường học hạnh phúc'

04/03/2024 - 06:39

BDK - Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Mô hình hướng đến xây dựng 100% trường học không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng giáo viên (GV), học sinh (HS). Từ đó, hình thành các giá trị cốt lõi “Yêu thương, an toàn, tôn trọng, thấu hiểu” trong môi trường giáo dục (GD).

Các cơ sở giáo dục chung tay xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Các cơ sở giáo dục chung tay xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực

Xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” có 3 nhóm tiêu chí (TC) lớn, với 20 TC nhỏ. 3 nhóm TC, gồm: Xây dựng môi trường trong các nhà trường, thực hiện tổ chức dạy học và các hoạt động GD, thực hiện các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ tập trung vào xây dựng môi trường nhà trường có cơ sở vật chất, trường học xanh, sạch đẹp, an toàn; quy tắc ứng xử trường học; đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần; tôn trọng sự khác biệt; thân thiện; cơ hội để phát triển. Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường thì GV làm gương cho HS. GV và HS hợp tác chia sẻ, phối hợp hiệu quả với cha mẹ...

Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhà trường có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; phong trào “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”, xây dựng trường học “Xanh - sạch - năng động”, xây dựng đơn vị, cơ quan văn hóa.

TS. Võ Văn Luyến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Xây dựng “Trường học hạnh phúc” có 3 yêu cầu về con người, môi trường, phong cách làm việc. Để xây dựng hiệu quả mô hình “Trường học hạnh phúc”, cán bộ quản lý phải truyền cảm hướng, hiểu được nội hàm của xây dựng “Trường học hạnh phúc”, từ đó thay đổi. Đối với GV phải có sự nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, trên cơ sở đó không hành động kỷ luật tiêu cực để tạo áp lực cho HS.

Xây dựng mô hình

Hiện nay, các phòng GD&ĐT trong tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tại địa phương. Tại TP. Bến Tre, Phòng GD&ĐT TP. Bến Tre chỉ đạo các cơ sở GD rà soát thực hiện tốt các điều kiện về môi trường GD, đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động GD đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng các mối quan hệ ứng xử tốt đẹp trong môi trường GD.

Giờ hoạt động tự do của trẻ Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành).

Giờ hoạt động tự do của trẻ Trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long (Châu Thành).

Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP. Bến Tre Phạm Thị Như Mai, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học hạnh phúc” gắn với việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện và phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thời gian qua, đội ngũ GV trên địa bàn TP. Bến Tre đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Thực hiện tốt việc cam kết chất lượng GD với phương châm đánh giá đúng thực chất năng lực và vì sự tiến bộ của người học, không gây áp lực cho GV, HS. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, GD kỹ năng sống, hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao lành mạnh, an toàn. HS được chủ động thể hiện năng khiếu, ước mơ, ý tưởng, có sự hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau, không ngừng tiến bộ trong học tập, rèn luyện theo mục tiêu GD.

Ngành GD&ĐT TP. Bến Tre sẽ xây dựng, nhân rộng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”. Triển khai đồng bộ, nâng cao chất lượng GD STEM trong các cơ sở GD. Quan tâm GD truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương. Thực hiện giảng dạy nội dung GD địa phương trong chương trình.

“Là đơn vị duy nhất của huyện được Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành chọn thí điểm mô hình “Trường học an toàn - hạnh phúc” năm 2021, Trường Tiểu học Phú Túc đã có những chuyển biến quan trọng, chất lượng học tập nâng lên rõ rệt, tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100%, không có học sinh bỏ học. 100% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. GV và HS mỗi ngày đến trường là niềm vui. Từ kết quả đạt được, xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, sắp tới nhà trường tổ chức nhiều sân chơi, trong đó đang hướng tới trường học năng động, thân thiện và hội nhập”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Túc Nguyễn Văn Thái cho biết.

Theo UNESCO, “Trường học hạnh phúc” là môi trường GD hiện đại, an toàn, thân thiện. Ở đó, người học và người dạy đều cảm thấy hạnh phúc, được tôn trọng, yêu thương, được bảo vệ và phát huy năng lực, giá trị của bản thân. Đây cũng là môi trường không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn GD bồi đắp tâm hồn đẹp cho HS.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN