Xây dựng và phát triển nền văn học - nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới

06/09/2024 - 15:55

BDK.VN - Ngày 27-8-2024, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VH-NT) Trung ương tổ chức tập huấn “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm” với sự tham dự của hơn 300 học viên của 49 tỉnh, thành. Hội nghị đã tổng kết thực tiễn một cách toàn diện về sự phát triển của VH-NT nước nhà, định hướng những nội dung cần quan tâm trong thời gian tới để giúp những người làm công tác quản lý và hoạt động trong lĩnh vực VH-NT, văn hóa, văn nghệ có những cơ sở vững chắc để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả, góp phần phát triển nền VH-NT, văn hóa, văn nghệ nước nhà.

 Học viên tham dự hội nghị tập huấn.

 Văn học - nghệ thuật không ngừng phát triển

PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương chia sẻ, Nghị quyết (NQ) số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) đã đánh giá sâu sắc về VH-NT: “VH-NT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. VH-NT Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm VH-NT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân”.

Theo PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sau 15 năm thực hiện NQ số 23-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển VH-NT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa chính sách và nguồn lực cho phát triển VH-NT. Tự do, dân chủ trong tạo VH-NT được bảo đảm, tôn trọng và phát huy. Hoạt động sáng tạo VH-NT ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình VH-NT có nhiều cố gắng, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; đấu tranh, phê phán các hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc; say mê với nghề nghiệp, khát khao cống hiến và sáng tạo…

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 21-6-2024 về tiếp tục thực hiện NQ số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới”. Kết luận số 84-KL/TW đã nêu quan điểm có một số nội dung mới so với NQ 23-NQ/TW: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, xây dựng chế tài để điều chỉnh hành vi ứng xử, chuẩn mực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực VH-NT. Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Xây dựng, hoàn thiện các chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường; từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng.

Hướng đến nền văn học - nghệ thuật phát triển toàn diện

Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học, nhà lý luận, phê bình VH-NT đã trao đổi các nội dung về sự phát triển VH-NT, văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới. Trong đó chú trọng đến những định hướng của Bộ Chính trị trong lĩnh vực này. Để tiếp tục xây dựng và phát triển nền VH-NT Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo tinh thần định hướng của Bộ Chính trị, các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác VH-NT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển VH-NT bảo đảm hài hòa, tránh dàn trải, lãng phí.

Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị khẳng định vai trò nền tảng, chủ đạo của mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về VH-NT, đề cao vai trò của công tác lý luận, phê bình VH-NT. Định hướng thực hiện tốt công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực VH-NT, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các Hội VH-NT bảo đảm thống nhất, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia.

Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm VH-NT đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để VH-NT vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập, trở thành một trong những trụ cột của văn hóa đối ngoại.

Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên (Nguyễn Văn Sang) - Hội viên Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre (một trong 5 thành viên của đoàn học viên Bến Tre tham dự hội nghị tập huấn) chia sẻ: “Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương đã nỗ lực rất nhiều, các vị lãnh đạo trong Hội đồng đã trực tiếp tổ chức và tham gia báo cáo các nội dung. Tuy hội thảo chỉ tổ chức trong thời gian ngắn nhưng đã tạo được kết quả tốt đẹp về mặt nội dung”.

Theo Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên, năm nay, ngoài các vấn đề bình thường được nêu ra hàng năm để đánh giá rút kinh nghiệm, định hướng cho công tác, có một vấn đề rất thiết thực đó là nhìn lại 50 năm lãnh đạo quản lý công tác văn hóa, nghệ thuật nói chung. Qua đó, có đánh giá lại những việc làm được và hạn chế. Điều này giúp cho các nhà quản lý, tổ chức văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là những người làm công tác trực tiếp là đội ngũ văn nghệ sĩ có được cái nhìn tổng thể về những đánh giá, những định hướng trong tương lai; đồng thời cũng giúp cho những người quản lý văn nghệ sĩ có định hướng cho công việc của mình.

“Bản thân là người viết lách, tôi đã rút ra được kinh nghiệm, đánh giá lại, định hướng lại so với đánh giá của hội nghị về 50 năm và định hướng cho công tác viết lách thời gian tới, làm thế nào đó để tác phẩm của mình đi vào cuộc sống. Tất nhiên, bản thân người cầm bút có ý thức nhưng trong quá trình viết lách, nếu không được định hướng thì đôi lúc có những sai lệch. Và những sai lệch đó nếu không được sửa đổi thì có thể làm lệch xa với hơi thở của cuộc sống, đó là điều rất nguy hiểm. Những hội thảo như thế này đã giúp ích cho rất nhiều người làm công tác chuyên môn về văn hóa, văn nghệ nói chung, những người sáng tác như chúng tôi nói riêng”, Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên chia sẻ.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN