Xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng thông minh, bền vững

15/12/2023 - 06:44

BDK - Năm 2023, mặc dù tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả bấp bênh nhưng với sự nỗ lực, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp kịp thời, hiệu quả nên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu (CT), kế hoạch (KH) năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh cho biết:

Sơ chế dừa xuất khẩu ở Hợp tác xã Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp

Sơ chế dừa xuất khẩu ở Hợp tác xã Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: H. Hiệp

- Trong năm 2023, với sự thống nhất và đồng thuận cao trong toàn ngành, với tinh thần sáng tạo, quyết liệt, ngành NN&PTNT của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng khu vực 1 đạt 2,65%; hoàn thành đạt và vượt 9/15 CT; hoàn thành trên 90% là 2/15 CT; hoàn thành trên 80% là 2/15 CT; các CT đang thực hiện là 2/15 CT về phát triển hợp tác xã (HTX) và các HTX có doanh thu 10 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đối với CT đạt từ 85% trở lên, cụ thể là tổng đàn heo đạt 440.210 con, đạt 86,32% so với KH do tác động của tình hình thị trường nhưng bảo đảm đủ số lượng cung ứng và chuẩn bị tiêu thụ trong dịp lễ, Tết sắp tới. Số lượng tàu đánh bắt hải sản có đăng ký chưa đạt (2.955/3.500 tàu, đạt 84,4%) nhưng sản lượng khai thác hải sản vượt KH đề ra. Lý do trong năm 2023, thực hiện xóa đăng ký các tàu cá hoạt động không hiệu quả, tàu cá ngưng hoạt động nên tổng số tàu cá giảm nhiều so với KH. Trong giai đoạn 2021 - 2025, đề ra CT phát triển 29 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng; 3 HTX doanh thu 100 tỷ đồng, đến nay đã có 15 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng, đang tiếp tục phấn đấu thêm.

Diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ (78.602ha), giá dừa khô giảm mạnh những tháng đầu năm nhưng hiện đã tăng trở lại, bình quân 70 - 80 ngàn đồng/chục. Trong năm phát triển được 1.300ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 18.500ha. Ngành đã phối hợp với các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung bưởi da xanh với diện tích 387,58ha; thí điểm vùng sản xuất tập trung sầu riêng với tổng diện tích chứng nhận VietGAP là 76,5ha.

Hiện nay, cả tỉnh có 15.140 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng thí điểm vùng sản xuất tập trung chăn nuôi heo gắn với phát triển chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Giồng Trôm; vùng sản xuất tập trung chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Ba Tri.

Nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao được người dân đầu tư khá về quy mô và có cải tiến khâu thiết kế kỹ thuật hạ tầng vùng nuôi, diện tích đạt 500ha, đạt 100% KH (KH 500ha); lũy kế ước đạt 3.067ha, đạt 76,66% KH, sản lượng ước đạt 128.072 tấn, đạt 88,94% KH.

Đến nay, toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 71 HTX tham gia và chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan. Toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 808,51ha, 43 vùng trồng được cấp 93 mã số với diện tích 705,51ha; có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Diện tích sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 25.467,4ha.

Đặc biệt, trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, đang kết nối chia sẻ dữ liệu ngành với Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC). Phối hợp với VNPT Bến Tre xây dựng nền tảng phần mềm quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu, bản đồ chuyên ngành nông nghiệp, bản đồ thổ nhưỡng quản lý vùng canh tác bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đã chọn được đơn vị tư vấn. Bảo đảm thực hiện đạt kết quả nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia và của Tỉnh ủy.

* Theo ông, những tồn tại gì ngành nông nghiệp cần phải vượt qua?

- Giá cả một số mặt hàng nông sản giảm những tháng đầu năm ảnh hưởng đến việc tái sản xuất và thu nhập của người dân. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn diễn ra làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.

 Tình hình liên kết doanh nghiệp và HTX chưa thật sự bền vững; năng lực một số HTX có chuyển biến nhưng còn chậm.

* Những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành trong năm 2024?

- Tiếp tục triển khai KH thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo ra thêm nhiều sản phẩm được chế biến sâu trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi. Rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển mạnh và bền vững nền nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn năm 2024, quyết tâm không để thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thực hiện tốt công tác phòng trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ; tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác phòng trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản; nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường.

Tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời tình hình thời tiết, mưa, bão cho người dân để chủ động sản xuất, ứng phó, bảo vệ sản xuất.

Phát huy thế mạnh kinh tế biển, triển khai hiệu quả chương trình phát triển thủy sản; tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm biển công nghệ cao, vận động hỗ trợ kỹ thuật phát triển ít nhất 500ha nuôi tôm công nghệ cao; nâng cấp đội tàu để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ. Xây dựng mô hình tổ hợp tác an ninh trên biển. Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ trên bãi bồi để phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khu vực ven biển.

Tính đến tháng 11-2023, tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh là 96 xã (đạt 69,1% so với mục tiêu đến năm 2025 là 80%), 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (TC), 37 xã đạt 10 - 14 TC và không còn xã đạt dưới 10 TC. Trong 96 xã đạt chuẩn NTM, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (so với mục tiêu đến năm 2025 là 45 xã), 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đã có 4 huyện có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, còn 5 huyện chưa có). Có 238 sản phẩm OCOP được công nhận.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

* Các chỉ tiêu đạt và vượt

- Tổng diện tích lúa gieo trồng 22.613ha, đạt 94,22% KH nhưng sản lượng đạt 111.930 tấn, đạt 104,27% KH.

- Diện tích dừa 78.602ha, đạt 102,8% KH, sản lượng 705,2 triệu trái, đạt 100,3% KH.

- Diện tích cây ăn trái 25,15ha, sản lượng 310.691 tấn, đạt 100,04% KH

- Diện tích nuôi thủy sản 47.814ha, đạt 100,03% KH.

- Sản lượng thủy sản 569.101 tấn, đạt 104,52% KH.

- Diện tích trồng rừng mới 20,91ha, đạt 100% KH.

- Tỷ lệ che phủ rừng 1,83%, đạt 102% KH.

- Xây dựng 16/15 xã NTM.

- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch 79,2%, đạt 101% KH.

* Các chỉ tiêu đạt trên 90%

- Tổng đàn bò đạt 240.500 con, đạt 96,98% KH.

- Đàn gia cầm 8.772 con, đạt 93,82% KH.

* Các chỉ tiêu đạt trên 80%

- Tổng đàn heo đạt 440.210 con, đạt 86,32% KH.

- Tổng số tàu đánh bắt cá có đăng ký 2.955/3.500 tàu.

 

Hữu Hiệp (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN