Bà Hà Thị Tú có nhu cầu tư vấn: Tôi và chồng là anh H đã ly hôn được hơn 1 năm. Theo bản án của tòa, tôi là người nuôi con, hàng tháng anh H cấp dưỡng với số tiền 1,2 triệu đồng. Anh H thực hiện cấp dưỡng được 4 tháng thì ngưng luôn. Tôi đã điện thoại nhắc nhở nhưng anh H chỉ phớt lờ cho qua. Hiện anh H đã kết hôn với người khác. Anh H có điều kiện kinh tế khá giả (thợ máy điện lạnh). Xin hỏi, hành vi không chấp hành án thì bị xử lý ra sao. Tôi phải làm đơn gửi ở đâu để được giải quyết?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến tư vấn như sau:
- Khoản 24, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Theo quy định tại Điều 107 Luật HN&GĐ, nghĩa vụ cấp dưỡng (NVCD) là nghĩa vụ bắt buộc của người không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Nghĩa vụ này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và cũng không thể chuyển giao cho người khác.
Trốn tránh NVCD được hiểu là việc một người có NVCD cố tình không thực hiện việc cấp dưỡng với những người mà họ có NVCD; được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật HN&GĐ thì “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có NVCD cho con”.
Trường hợp của bà, Tòa án xử tuyên buộc anh H có NVCD nuôi con (1,2 triệu đồng/tháng). Bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng anh H không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình là vi phạm pháp luật về thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Quá trình thi hành án, nếu có đủ cơ sở kết luận anh H có khả năng tài chính, có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án về việc cấp dưỡng cho con, thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:
- Xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, c Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, ngày 16-7-2020 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020). Cụ thể là phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án (THA) trong trường hợp có điều kiện thi THA.
- Trường hợp anh H đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không chấp hành án” theo quy định tại Khoản 1 Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Trên cơ sở quy định của pháp luật và để bảo vệ quyền lợi cho con, trong trường hợp này, bà có quyền gửi đơn yêu cầu Cơ quan THA dân sự nơi bà ly hôn xem xét buộc anh H phải thực hiện NVCD nuôi con theo quy định tại Điều 31 Luật THA dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014. Hồ sơ yêu cầu THA cấp dưỡng nuôi con, bà cần chuẩn bị:
- Đơn yêu cầu THA (theo mẫu);
- Bản án, quyết định của tòa án về việc ly hôn;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bà và ông H;
- Bản sao giấy khai sinh của con bà;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh ông H có điều kiện THA.
Tuy nhiên, bà cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu THA theo quy định tại Điều 30 Luật THA dân sự là 5 năm, kể từ ngày bà nhận được bản án. Hết thời hạn này thì mất quyền yêu cầu cơ quan THA dân sự tổ chức THA.
H.Trâm (thực hiện)