Xử lý hành vi tẩu tán tài sản để “né” nghĩa vụ thi hành án dân sự

06/03/2022 - 18:19

BDK - Bà N.T.N có nhu cầu tư vấn: Tòa án xét xử buộc ông T phải trả số tiền nợ tôi hơn 800 triệu đồng và tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án (THA). Gần đây, tôi phát hiện ông T muốn sang nhượng đất cho người thân để “né” nghĩa vụ THA. Xin hỏi: Tôi phải làm sao? Pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi tẩu tán tài sản (TTTS) của ông T?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- TTTS là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ 3. Theo đó, các giao dịch thường được lập để nhằm mục đích TTTS đó là giao dịch về mua bán, tặng cho hoặc chuyển nhượng về tài sản.

Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi TTTS rất khó chứng minh bởi vì cần xác định được các giao dịch là của bên muốn trốn tránh nghĩa vụ là giả tạo. Các bên tham gia xác lập giao dịch giả tạo sẽ không dễ dàng để cho người khác có được chứng cứ để xác định giao dịch trên thực tế của họ là không hợp pháp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THA dân sự: Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA thì chấp hành viên thông báo cho người được THA để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được THA không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Như vậy, để áp dụng được quy định trên yêu cầu phải “có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA”. Theo thông tin của bà cung cấp: “Gần đây, tôi phát hiện ông T muốn sang nhượng đất cho người thân để trốn nghĩa vụ THA”, như vậy chưa đủ căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn nghĩa vụ THA. Vì thực tế giao dịch này chưa được thực hiện.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Khi có đủ căn cứ xác định ông T thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản THA nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA thì bà có thể nộp đơn khởi kiện ông T ra tòa án (nơi ông T có tài sản) yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu do giả tạo. Vì đây là hợp đồng có nội dung trái pháp luật, nhằm mục đích TTTS, né tránh trách nhiệm THA, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN