Hoãn thi hành bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật

25/07/2021 - 18:23

Ông Nguyễn Văn Tới có nhu cầu tư vấn: Tháng 9-2019, Tòa phúc thẩm tỉnh tuyên buộc ông A phải trả lại tôi 230m2 đất. Tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án (THA) và đơn yêu cầu cưỡng chế THA. Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện cứ hẹn mà không tổ chức THA. Xin hỏi: Tôi phải làm sao? Trường hợp nào thì được hoãn thi hành bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Hoãn THADS là chuyển việc thi hành bản án, quyết định dân sự sang thời điểm khác muộn hơn thời điểm đã được quyết định. Theo quy định tại Khoản 6, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Do đó, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày tuyên án. Quyền yêu cầu THA đã được tòa án ghi nhận trong phần quyết định của bản án.

Theo quy định tại Điều 48 Luật THADS và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì căn cứ hoãn THADS cần được phân biệt bởi 2 trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như: Khi người phải THA bị ốm nặng, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của tòa án; chưa xác định được địa chỉ của người phải THA; đương sự đồng ý hoãn THA; tài sản để THA đã được tòa án thụ lý để giải quyết; việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS; người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 2 lần nhưng không đến nhận; việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; tài sản kê biên không bán được mà người được THA không nhận.

Luật không quy định thời hạn hoãn đối với quyết định hoãn của thủ trưởng cơ quan THADS trong những trường hợp này. Việc hoãn THA chấm dứt khi các căn cứ hoãn THA không còn.

Trường hợp thứ hai: Ngoài các căn cứ hoãn trên, cơ quan THADS có quyền hoãn thi hành bản án phúc thẩm theo quy định tại Điều 48 Luật THADS “Cơ quan THA nhận được yêu cầu hoãn THA của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế THA đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế”.

Trường hợp của ông, trước hết ông cần liên hệ Chi cục THADS nơi thụ lý hồ sơ và thụ lý đơn yêu cầu THA của ông, để biết được nguyên nhân vì sao yêu cầu THA của ông bị hoãn thi hành (cụ thể là ông phải nhận được quyết định hoãn THA hoặc văn bản trả lời của thủ trưởng cơ quan THADS).

Căn cứ vào quy định tại Điều 48 Luật THADS, Chi cục THADS có áp dụng đúng các quy định trên hay không để thi hành bản án theo đơn yêu cầu THA của ông. Vì ngoài các căn cứ và 2 trường hợp được hướng dẫn trên là lý do cơ quan THA áp dụng để hoãn THA, các lý do khác là không đúng quy định.

Ông cần liên hệ với chấp hành viên là cán bộ của Chi cục THADS, nơi thụ lý đơn yêu cầu của ông để được hướng dẫn cụ thể và thực hiện quyền yêu cầu của ông.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN