Xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng

03/12/2023 - 19:32

Bà T.T.V có nhu cầu tư vấn: Em tôi cần tiền nên có vay của ông A 50 triệu đồng trong thời gian 10 ngày, với lãi suất thỏa thuận là 60 ngàn đồng/ngày. Do làm ăn thua lỗ nên em tôi không trả được nợ gốc 50 triệu đồng mà xin trả hết nợ gốc trong thời gian 2 tháng. Ông A đồng ý nhưng tăng tiền lãi lên 80 ngàn đồng/ngày. Xin hỏi: Pháp luật quy định như thế nào là cho vay nặng lãi. Người cho vay nặng lãi có bị xử lý hình sự hay không?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ.

Trong thực tế, người cho vay lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn và cho vay với lãi suất rất cao nhằm để thu lợi bất chính, gọi là cho vay lãi nặng (cho vay nặng lãi). Tùy vào tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm lãi suất trong giao dịch vay, ký nợ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

1. Xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…) quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tiền có cầm cố tài sản, hoặc không đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS. Người bị xử phạt còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

2. Xử lý hình sự

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo đó, nếu người cho vay thỏa thuận mức lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS (là 20%), tức là 100%/năm của khoản tiền vay (nhằm thu lợi bất chính) thì được coi là hành vi phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Như thông tin bà cung cấp, trường hợp người em của bà, đã thỏa thuận vay của ông A số tiền 50 triệu đồng trong thời hạn 10 ngày, lãi suất 60 ngàn đồng/ngày, tương đương 43,8%/năm (cao gấp 2,19 lần mức lãi suất cao nhất được hưởng do BLDS quy định). Sau đó, ông A đồng ý cho trả 50 triệu đồng trong thời hạn 2 tháng với lãi suất 80 ngàn đồng/ngày, tương đương 58,4%/năm (cao gấp 2,92 lần mức lãi suất cao nhất được hưởng do BLDS quy định).

Hành vi của ông A là vi phạm lãi suất cho vay, tính vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS nhưng chưa đến mức gấp 5 lần của mức lãi suất cao nhất theo quy định của BLDS. Do vậy, trong trường hợp này, ông A có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN