Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý tương xứng với lỗi và hậu quả do người vi phạm gây ra. Người gây ra tai nạn giao thông có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về biện pháp xử lý hành chính, theo quy định tại Khoản 8, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
1- Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…
2- Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Trường hợp của ông, nếu cơ quan điều tra có kết luận anh A là người hoàn toàn có lỗi gây ra tai nạn cho con ông thì anh A phải chịu trách nhiệm. Anh A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Ngoài ra, anh A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho con ông theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự, gồm các khoản: “chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định”.
Anh A còn có trách nhiệm phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho con ông theo quy định pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, ông cần đến cơ quan cảnh sát điều tra (nơi xảy ra tai nạn) để trình báo. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ hướng dẫn gia đình ông thực hiện các bước tiếp theo. Việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phải chờ vào kết quả xác minh vụ việc, kết luận giám định tỷ lệ thương tật và nhiều yếu tố khác của cơ quan chức năng.
H.Trâm (thực hiện)