Xử phạt đối với hành vi đổ vật liệu xây dựng chiếm lòng, lề đường đi

13/11/2022 - 19:16

Ông Nguyễn Văn Hai có nhu cầu tư vấn: Gần nhà tôi ở là đường đi công cộng (rộng 2m). Ông H có nhà ở ngoài đầu đường đi. Thời gian gần đây, ông H sửa chữa nhà và đổ vật liệu xây dựng làm choán cả lòng, lề đường đi. Người dân ở khu vực phàn nàn việc ông H đổ vật liệu, ông có khắc phục và thu gom cát đá. Sau đó, ông H lại để vật tư làm lấn chiếm lòng đường đi. Một số hộ dân ở bên trong đường đi đã nhắc nhở nhưng không hiệu quả, ông H cho rằng đây là chuyện bình thường. Xin hỏi: Việc làm của ông H có bị xử phạt gì hay không? Chúng tôi phải làm sao?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau: 

- Theo quy định tại Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Khoản 1, Điều 35 Luật này còn quy định “không được họp chợ, mua, bán hàng hóa; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép... trên đường bộ”.

Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông (có quy định thời gian cụ thể và được cơ quan nhà nước thẩm quyền cho phép).

Theo quy định Điều 25a, Điều 25b Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, thì ông H có thể được tạm thời sử dụng lề đường, lòng đường và thời gian sử dụng tạm thời là không quá 48 giờ; lề đường còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m và lề đường đó có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời nhưng phải thông báo với UBND xã, phường sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần lề đường.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trên lĩnh vực đường bộ và đường thủy: “6. Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định này…”.

Hành vi sử dụng lòng, lề đường của ông H (như ông trình bày) là vi phạm pháp luật. Trước hết, ông và những người dân trong khu vực cần đến chính quyền địa phương trình báo sự việc như trên, nêu rõ tình hình đường đi bị cản trở để chính quyền có hướng xử lý hành vi của ông H theo quy định tại Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và áp dụng biện pháp “Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính”.

Ông H có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Đồng thời, ông H còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải thu dọn vật liệu xây dựng, cát đá trên lòng, lề đường khôi phục lại hiện trạng đường đi thông thoáng như ban đầu.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích